Tuyên bố trên được người phát ngôn chính trị của Taliban, Suhail Shaheen, đưa ra tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran của Iran. Phái đoàn đàm phán của Taliban đã đến Tehran từ cuối tuần trước theo lời mời của Bộ Ngoại giao Iran và đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 31/1 để thảo luận về tiến trình thực thi thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và Mỹ.
Mỹ đã cắt giảm quân số tại Afghanistan xuống còn khoảng 2.500 binh sĩ từ mức gần 13.000 binh sĩ vào thời điểm cách đây một năm. Tuy nhiên, ngày 22/1, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ xem xét lại thỏa thuận ký với Taliban hồi tháng 2/2020. Tiếp đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 29/1 đã hối thúc Tổng thống Biden gây sức ép với Taliban và tránh vội vàng rút thêm binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang trên toàn Afghanistan với các cáo buộc nhằm vào phiến quân Taliban. Ngày 31/1, Mỹ và các đồng minh trong NATO đã ra tuyên bố chung yêu cầu lực lượng Taliban chấm dứt các hành động ám sát, bắt cóc và phá hoại cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Afghanistan, đồng thời cần cam kết thiết lập một nền hòa bình bền vững.
Trước đó, ngày 28/1, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cáo buộc Taliban không tuân thủ cam kết chấm dứt những hành động tấn công bạo lực nhằm vào các lực lượng an ninh và dân thường Afghanistan. Trong báo cáo công bố ngày 1/2, Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho biết, trong quý IV/2020, các vụ tấn công bạo lực do Taliban tiến hành đã làm 810 người thiệt mạng và 1.776 người bị thương. Tuy vậy, phía Taliban đã bác bỏ các cáo buộc này và thay vào đó yêu cầu Washington và Kabul tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn.
Trong bối cảnh đó, tiến trình đàm phán nội bộ về hòa giải dân tộc giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban - một phần của thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2/2020 - tiếp tục lâm vào thế bế tắc. Tiến trình được khởi động từ tháng 9/2020 và được nối lại hồi đầu tháng 1/2021 tại Doha (Qatar), song đến nay không đạt được bất cứ tiến triển nào do các bên còn nhiều bất đồng về chương trình nghị sự, khung thảo luận và vấn đề tôn giáo.