Tâm lý lo sợ bao trùm thủ đô Kabul một ngày sau khi Mỹ rút hết quân

Một sự yên tĩnh kỳ lạ bao trùm khắp thủ đô của Afghanistan một ngày sau khi lực lượng Mỹ rút hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Các chiến binh cầm cờ Taliban tập trung ăn mừng lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan. Ảnh: AFP / Getty Images

Rất ít ô tô hoặc người đi bộ trên các con đường. Hàng nghìn người Afghanistan chen chúc tuyệt vọng xung quanh sân bay từ những ngày trước nay đã biến mất trong đêm, để lại đầy rác rưởi và hành lý vứt bỏ.

Mullah Raz Muhammad Zarkawi, chiến binh Taliban phất cờ ăn mừng dọc một con đường chính ở Kabul, cho biết: “Hôm nay là ngày chúng tôi giành được tự do của mình. Đây là kết quả của 20 năm tranh đấu."

Tay súng 27 tuổi đến từ tỉnh Farah chưa từng đến Kabul cho đến khi Taliban chiếm thành phố thủ đô chỉ hơn hai tuần trước. “Đây sẽ là một thành phố thủ đô tuyệt vời, và chúng tôi sẽ làm cho nó tốt đẹp hơn nữa. Kabul sẽ sớm trở thành một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới”, chiến binh này lạc quan phát biểu.

Nhưng những con đường ở Kabul thật trống trải, cho thấy rằng đối với nhiều người Afghanistan, sự ra đi của các lực lượng nước ngoài đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ bất ổn khác, khi họ chờ đợi xem kiểu chính phủ nào, nếu có, sẽ kế tiếp.

Kể từ khi Taliban chiếm Kabul vào giữa tháng 8, nhóm lãnh đạo của lực lượng này đã gặp các cựu quan chức Afghanistan, nhưng các cuộc đàm phán đều không đi tới vấn đề thực chất hoặc không có dấu hiệu tiến triển.

“Đó là một chiến thắng cho Taliban, nhưng là khoảnh khắc đáng sợ với người dân Kabul”, một nữ nhân viên công tác xã hội 23 tuổi cho biết.

Chú thích ảnh
Các chiến binh cầm cờ Taliban tập trung ăn mừng lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan. Ảnh: AFP / Getty Images

Xin giấu tên vì lo sợ bị trả thù, người phụ nữ cho biết lịch sử sử dụng vũ lực để duy trì trật tự của Taliban khiến cô không tin rằng bất kỳ thỏa thuận nào với các cựu quan chức Afghanistan có thể khiến cô cảm thấy an toàn.

Cô nói: “Cá nhân tôi không tin là mình có thể tin tưởng họ. Tất cả những gì tôi thấy là một tương lai đen tối."

Các thủ lĩnh Taliban và nhiều chiến binh đã mong muốn xua tan lo ngại rằng nhóm này sẽ cô lập Afghanistan và áp đặt những hạn chế khắc nghiệt mà họ từng áp dụng vào những năm 1990. Nhưng Taliban vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết chính thức nào hay tiết lộ thông tin chi tiết về kiểu chính phủ mà họ muốn thành lập, ngoài chính phủ dựa trên luật Hồi giáo.

Để tìm kiếm tính hợp pháp của chính quyền mới và đảm bảo tài chính, Taliban đang tìm cách thúc đẩy thỏa thuận chính trị với các đối thủ.

Vài giờ sau khi chiếc máy bay sơ tán cuối cùng của Mỹ cất cánh từ sân bay Kabul, phát ngôn viên của Taliban, Zabiullah Mujahid đã phát biểu từ đường băng, khuyến khích đầu tư nước ngoài và nhấn mạnh nhóm này muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước. Ông Mujahid nói: “Tôi mời gọi tất cả các bạn đến và đầu tư vào Afghanistan. Các khoản đầu tư của các bạn sẽ nằm trong những bàn tay tử tế. Đất nước sẽ ổn định và an toàn ”.

Chú thích ảnh
Lực lượng Taliban tuần tra trên đường băng Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul một ngày sau khi quân đội Mỹ rút đi. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Mujahid cũng kêu gọi người Afghanistan quay trở lại làm việc. Taliban từ lâu vốn coi các nhân viên của chính phủ Afghanistan và nhiều tổ chức quốc tế là mục tiêu quân sự, nhưng giờ nhóm này đang ân xá cho những ai muốn ở lại đất nước.

“Chúng tôi cần tất cả các chuyên gia kinh tế và những nhà chuyên môn hãy bước tới, cùng nhau vạch ra lộ trình cho tương lai", ông Mujahid kêu gọi. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các nhân viên chính phủ vẫn chưa quay trở lại văn phòng, và nhiều tổ chức quốc tế đã ngừng hoạt động ở Afghanistan.

Với việc không có thỏa thuận chính trị nào đạt được sau khi quân đội Taliban tiếp quản đất nước, cộng đồng quốc tế đã không công nhận nhóm này là các nhà lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan. Các tài sản quan trọng của đất nước bị đóng băng và tiền viện trợ bị cắt, đó là những động thái gần như khiến nền kinh tế đình trệ.

“Tất nhiên mọi người đang hồi hộp và lo lắng về tương lai. Không có chính phủ, đó là lý do tương lai đang bất định”, Mohammad Yusuf Saha, phát ngôn viên của cựu Tổng thống Hamid Karzai, người cùng với cựu lãnh đạo hòa giải dân tộc Abdullah Abdullah đang họp với các thủ lĩnh Taliban để đi đến một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Nhưng cả ông Saha và phát ngôn viên của  cựu lãnh đạo Abdullah là Faraidon Khwazon đều cho biết chưa có cuộc gặp cấp cao nào với Taliban được tổ chức trong nhiều ngày qua và một thỏa thuận sẽ không sớm đạt được.

Thay vào đó, theo một tuyên bố đưa ra ngày 31/8, các lãnh đạo hàng đầu của Taliban đã ở Kandahar để tổ chức các cuộc họp cấp cao trong phong trào dưới sự chủ trì của chỉ huy tối cao bí ẩn, Hibatullah Akhundzada, thảo luận về “các vấn đề chính trị, an ninh và xã hội”.

Chú thích ảnh
Các chiến binh Taliban tập hợp ở Kandahar, Afghanistan, ngày 31/8. Ảnh:  EPA-EFE 

Tuyên bố trên không cho biết thêm chi tiết, nhưng thời gian cho thấy các cuộc họp nhằm đạt được thỏa thuận về loại cơ cấu chính quyền mà nhóm mong muốn. Taliban là một phong trào đa dạng và một cách mà họ theo đuổi để duy trì sự thống nhất là tiến hành các cuộc tham vấn kéo dài trước khi đưa ra quyết định.

Bất kể thỏa thuận chính trị đạt được là gì, Ahmed Ahmadi, một chiến binh Taliban 46 tuổi, cho biết ông tin rằng Kabul sẽ là một thành phố ổn định hơn khi Mỹ đã rút lui. “Việc rút quân và sơ tán, tất cả những gì nó làm là tạo ra đám đông và bạo lực”, Ahmadi nói, nhắc đến hàng nghìn người chen chúc tại sân bay và các đại sứ quán trong những tuần gần đây để tuyệt vọng chạy trốn.

Khi nghe tin hoạt động sơ tán và rút lui hoàn tất, chiến binh Taliban này nói: “Tôi và các anh em mừng đến nỗi không thể không nổ súng chỉ thiên”.

Qua đêm 30 và sáng 31/8, bầu trời Kabul tràn ngập những vệt sáng và thành phố rung chuyển bởi các loạt đạn ăn mừng. “Đó là kỳ nghỉ của chúng tôi”, Ahmadi nói.

Nhưng đối với nữ nhân viên cứu trợ 23 tuổi giấu tên, âm thanh của tiếng súng khiến cô lo lắng, cô và cả gia đình không ngủ được. “Có lúc tôi ngồi đó và ước tất cả chỉ là một cơn ác mộng”, người phụ nữ chia sẻ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Hé lộ nội dung điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Afghanistan trước khi Kabul thất thủ
Hé lộ nội dung điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Afghanistan trước khi Kabul thất thủ

Trong cuộc điện đàm cuối cùng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Afghanistan Ashraf Ghani trước ngày Taliban giành kiểm soát, hai nhà lãnh đạo đều không lường trước nguy cơ chính phủ này sẽ sụp đổ.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN