Chuyến thăm phản ánh sự chuyển hướng mang tính chiến lược của Riyadh, còn gọi là sự “xoay trục” sang phía Đông mà cụ thể là nhắm tới các nền kinh tế hàng đầu châu Á. Đây cũng được xem là một bước đi mới trong đường hướng ngoại giao, thể hiện sự “nhìn xa, trông rộng” của giới lãnh đạo quốc gia giàu dầu mỏ và tiềm lực kinh tế mạnh này trong bối cảnh mối quan hệ giữa Riyadh với đồng minh Mỹ và phương Tây có phần “nguội lạnh” sau nhiều “khúc mắc” liên quan vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Qua chuyến công du này, Saudi Arabia đã cho thấy mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với khu vực châu Á, vốn đang trở thành đầu tàu kinh tế và công nghệ của thế giới.
Ở chặng dừng chân đầu tiên với mục tiêu “hâm nóng” mối quan hệ với đồng minh lâu năm Pakistan, Thái tử bin Salman đã được giới lãnh đạo nước chủ nhà đón tiếp trọng thị và hết sức nồng hậu, thân tình, thậm chí vượt quá cả những nghi thức ngoại giao thông thường dành cho một vị lãnh đạo không phải là nguyên thủ quốc gia.
Thái tử Saudi Arabia đã được Thủ tướng nước chủ nhà Imran Khan và Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Qamar Javed Bajwa chào đón ngay tại sân bay quân sự Chaklala. Cùng một phái đoàn hùng hậu quan chức chính phủ và đông đảo doanh nhân, các nhà đầu tư Saudi Arabia tháp tùng Thái tử bin Salman, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá lên tới 20 tỷ USD, cao gấp đôi so với con số dự kiến trước đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng.
Khách quan mà nói, Islamabad đang cần sự giúp đỡ từ Riyadh hơn lúc nào hết, đặc biệt khi nền kinh tế Pakistan hiện đứng trước bờ vực khủng hoảng. Năm ngoái, Pakistan đã nhận được một gói cứu trợ 6 tỷ USD từ Saudi Arabia, nhưng dường như khoản tiền này vẫn chưa đủ. Như Thái tử bin Salman tuyên bố, tổng số tiền đầu tư 20 tỷ USD chỉ là sự khởi đầu của quan hệ kinh tế chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Việc hai nước thắt chặt quan hệ và xích lại gần nhau, đặc biệt có thể ủng hộ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, sẽ góp phần giúp Saudi Arabia tránh thế bị cô lập và có thêm đồng minh thân cận nằm “sát vách” đối thủ của họ ở khu vực là Iran. Pakistan có vai trò quan trọng trong cộng đồng các nước Hồi giáo, có tiềm lực quân sự và cũng là một cường quốc hạt nhân trong khu vực.
Lâu nay, Riyadh luôn hỗ trợ Islamabad trong những giai đoạn khó khăn nhất và đổi lại, quân đội Pakistan, vốn nắm nhiều quyền lực, luôn ngầm hậu thuẫn Saudi Arabia và hoàng tộc nước này. Đây thực sự là mối quan hệ “có qua, có lại”, Saudi Arabia giúp đỡ Pakistan về kinh tế còn Islamabad ủng hộ Riyadh về chính trị, và hai bên đều được lợi khi có nhau.
Trong khi đó, chuyến thăm của Thái tử Saudi Arabia tới Ấn Độ được đánh giá là bước tiến triển cực kỳ quan trọng, nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới thông qua quyết định thành lập Hội đồng Đối tác Chiến lược và tổ chức hội nghị cấp cao 2 năm một lần. Sự kiện này góp phần củng cố và xây dựng lòng tin, tạo đà cho bước phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới bởi có rất nhiều lĩnh vực còn dư địa để hai bên thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng “đây là thời điểm thích hợp để chuyển mối quan hệ dựa trên lĩnh vực năng lượng giữa hai nước sang thành quan hệ đối tác chiến lược”. Thái tử Saudi Arabia cũng công bố kế hoạch đầu tư có tổng trị giá lên tới 100 tỷ USD vào quốc gia Nam Á. Saudi Arabia khẳng định sẽ tiếp tục tăng mạnh đầu tư vào Ấn Độ trong 2-3 năm tới, trong khi New Delhi sẽ thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Riyadh về công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin mà nước này có thế mạnh. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, thúc đẩy hợp tác trong đấu tranh chống khủng bố và bạo lực, đảm bảo an ninh ở khu vực.
Tiến sĩ Zakir Hussain – chuyên gia về chính sách đối ngoại ở New Delhi nhận định chuyến thăm của Thái tử Mohammed bin Salman đánh dấu một sự thay đổi mang tính điển hình trong quan hệ giữa New Delhi và Riyadh và “chứng tỏ quan hệ đối tác đã chín muồi và nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai nước trong sự tăng trưởng và thịnh vượng của nhau”. Saudi Arabia hiện là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Ấn Độ, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu năng lượng của nước này. Hiện có khoảng 2,7 triệu người Ấn Độ đang làm việc tại Saudi Arabia với lượng kiều hối chuyển về nước hằng năm lên tới 10 tỷ USD. Saudi Arabia hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, sau Trung Quốc, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với kim ngạch hai chiều đạt 27,5 tỷ USD năm 2018.
Chuyến công du của Thái tử Saudi Arabia khép lại ở Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn nhất, nước nhập khẩu nhiều dầu nhất của quốc gia Trung Đông. Dựa trên những lợi ích kinh tế và địa chiến lược, Bắc Kinh cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Riyadh. Mặc dù đang có mối quan hệ mật thiết với Iran – đối thủ của Riyadh ở Trung Đông, song Trung Quốc vẫn khẳng định luôn coi Riyadh là một “đối tác chiến lược và đồng minh hùng mạnh” ở khu vực.
Trong buổi tiếp Thái tử bin Salman tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 22/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc là “người bạn và đối tác tốt” của Saudi Arabia. Về phần mình, Thái tử Saudi Arabia đã ca ngợi mối quan hệ lâu bền với Trung Quốc mà theo ông, cho đến nay chưa gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Có thể thấy Saudi Arabia và Trung Quốc đã gác sang một bên những vấn đề còn tồn tại để tận dụng những tiềm năng thế mạnh của nhau, chọn lựa những vấn đề ưu tiên thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Trong số nhiều thỏa thuận hợp tác được ký lần này, đáng chú ý là thỏa thuận thành lập công ty liên doanh có trị giá 10 tỷ USD giữa tập đoàn Saudi Aramco với tập đoàn NORINCO và Panjin Sincen của Trung Quốc để phát triển một tổ hợp lọc hóa dầu ở tỉnh Liêu Ninh.
Chuyến công du kéo dài gần một tuần này có thể ví như “một mũi tên trúng nhiều đích” với những kết quả cụ thể cả về chính trị lẫn kinh tế. Không những góp phần củng cố và phát triển quan hệ giữa Saudi Arabia với các quốc gia nêu trên, chuyến công du cũng chứng tỏ cho phương Tây thấy rằng Riyadh không đơn độc, họ vẫn có những đồng minh, đối tác tin cậy và có thực lực ở châu Á. Thông qua hoạt động ngoại giao này, Saudi Arabia và cá nhân vị Thái tử trẻ tuổi của vương quốc Arab có thể khôi phục hình ảnh sau những lùm xùm liên quan vụ nhà báo Khashoggi.
Chuyến công du châu Á lần này còn là bước đi nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế đất nước do chính Thái tử bin Salman khởi xướng với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Đây đồng thời cũng là minh chứng cho quyết tâm của Riyadh trong việc thực hiện "Tầm nhìn 2030", một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thay đổi toàn diện Saudi Arabia từ kinh tế đến xã hội và định hình tương lai của cường quốc Trung Đông.