Những nỗ lực thất bại trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ở mức gần 60 tỷ tấn CO2/ năm hoặc tương đương - đã buộc các nước phải chọn việc loại bỏ CO2 làm trọng tâm trong chính sách về khí hậu, đầu tư và nghiên cứu. Thông qua các phương pháp khác nhau, từ trồng cây đến lắp ráp những cỗ máy kích cỡ bằng một nhà máy để hút CO2 từ không khí và lưu trữ dưới lòng đất, hoạt động loại bỏ CO2 trên toàn thế giới hiện thu được 2 tỷ tấn khí/ năm. Trong đó, hơn 99% thu được qua các kỹ thuật "thông thường" như khôi phục và mở rộng các khu rừng và vùng đất ngập nước hấp thụ CO2.
Chỉ có khoảng 0,1% là được thực hiện bằng các công nghệ "mới " như thu khí trực tiếp, chuyển chất thải hữu cơ thành than sinh học dạng đá hoặc thu CO2 từ thực vật được trồng và đốt làm nhiên liệu.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ), lượng khí thải carbon vào cuối thập kỷ này phải giảm khoảng 45% so với mức của năm 2020 và bằng không vào giữa thế kỷ, nếu đáp ứng được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Đồng tác giả báo cáo, giáo sư Gregory Nemet thuộc Đại học Wisconsin-Madison, nêu rõ: “Bất kể chúng ta loại bỏ ít hay nhiều CO2, chúng ta vẫn sẽ phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.
Tuy nhiên, với lượng khí thải CO2 vào năm 2022 vẫn ở mức gần kỷ lục, việc loại bỏ CO2 trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong báo cáo, các nhà khoa học lần đầu tiên đưa ra tính toán rằng đến cuối thế kỷ này, hoạt động loại bỏ carbon dioxide phải chiết xuất từ 450 tỷ đến 1.100 tỷ tấn CO2. Hoạt động loại bỏ CO2 từ việc trồng cây thông thường - ngay cả khi lượng khí thải giảm mạnh - phải tăng gấp đôi vào năm 2050 để duy trì mục tiêu tăng nhiệt của Trái Đất ở mức1,5 độ C và tăng 50% để giữ mức tăng nhiệt dưới 2 độ C.
Theo báo cáo của Đại học Oxford, để giữ mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 2 độ C, việc triển khai các công nghệ mới như thu khí trực tiếp kết hợp với lưu trữ carbon (DACCS)... phải được tăng cường gấp 30 lần vào năm 2030 và hơn 1.000 lần vào năm 2100.