Tờ Washington Post đưa tin, hôm 2/4, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đến thủ đô Skopje của Bắc Macedonia cùng với 10 bộ trưởng và khoảng 100 đại diện doanh nghiệp. Trước cửa trụ sở chính phủ, ông Zaev đã giơ điện thoại di động lên, mời ông Tspiras cùng chụp ảnh. Tấm ảnh được đánh giá như một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai bên.
Cùng với đó, chuyến thăm của ông Tsipas cũng đánh dấu những bước ngoặt đáng nhớ. Ông là nhà lãnh đạo Hy Lạp đầu tiên đến thăm Bắc Macedonia (trước đây là Macedonia) kể từ khi nước này tuyên bố độc lập năm 1991. Hai nhà lãnh đạo cùng các bộ trưởng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong đó có dỡ bỏ rào cản thương mại và lệnh cấm không phận.
Hy Lạp và Bắc Macedonia đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ. Athens khẳng định cái tên Macedonia thuộc về vùng lãnh thổ phía Bắc nước này, thành trì trước đây của Vua Alexander Đại đế. Mãi đến tận đầu năm nay, nước Cộng hòa Macedonia mới chấp nhận đổi tên là Cộng hòa Bắc Macedonia. Đáp lại, Hy Lạp tuyên bố sẽ ngừng ngăn cản Bắc Macedonia gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc tranh giành tên gọi đã khởi nguồn từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi một phần của đất nước Nam Tư trước đây thành lập "Cộng hòa Nhân dân Macedonia". Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1944 từng cảnh báo tên gọi này có thể gây rắc rối với Hy Lạp. Và quả thực, năm 1991 khi nước này tuyên bố độc lập, bỏ từ "nhân dân" và trở thành "Cộng hòa Macedonia", Hy Lạp đã gửi thư phản đối đến Liên hợp quốc.
Cả hai ông Tsipras và Zaev đều đã vượt qua được những áp lực chính trị trong nước nặng nề để nhất trí tên gọi mới "Bắc Macedonia" vào năm 2018. Tuy nhiên, cả hai bên đã không thông qua thỏa thuận này cho đến tận tháng 1/2019. Đất nước từng được biết đến là Macedonia (song Hy Lạp không công nhận) đã chính thức trở thành Bắc Macedonia từ tháng 2/2019.
Thủ tướng Zaev sẽ luôn có tấm hình tự chụp hai ông để ghi nhớ về khoảng khắc này. Bắc Macedonia cũng bày tỏ hy vọng đất nước này từ giờ có thể gia nhập NATO và cuối cùng là EU.