Apple vẫn là một trong những doanh nghiệp đắt giá nhất thế giới. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ngày 29/12, công ty kiểm toán và tư vấn tài chính EY đã công bố một nghiên cứu về các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Theo đó, các công ty Mỹ như Apple, Alphabet và Microsoft vẫn là những doanh nghiệp đắt giá nhất thế giới, trong khi các tập đoàn của Trung Quốc đang cho thấy có nhiều bước lấn sân.
Ba vị trí hàng đầu không thay đổi. Dẫn đầu là tập đoàn công nghệ Apple với giá trị vốn hóa thị trường vào cuối năm 2017 đạt 876 tỷ USD. Alphabet, công ty mẹ của Google, đứng ở vị trí thứ hai với giá trị vốn hóa 733 tỷ USD. Microsoft đứng ở vị trí thứ ba với 661 tỷ USD. Tiếp sau là Amazon và Facebook. Tám trong số 10 công ty đắt giá nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ.
Các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, Tencent và Alibaba đã có một bước tiến đáng kể trong Top 10 công ty hàng đầu thế giới. Tencent xếp vị trí thứ 7 với giá trị vốn hóa thị trường đạt 484 tỷ USD, liền trước Alibaba - doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử (444 tỷ). Cả hai công ty này đều ghi nhận giá trị gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm.
Các tập đoàn của châu Âu bị tụt lại phía sau so với các công ty của Mỹ và Trung Quốc. Công ty dầu khí Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell là doanh nghiệp đắt giá nhất của "lục địa Già", xếp ở vị trí thứ 17.
Tiếp sau Royal Dutch Shell là tập đoàn Nestlé của Thụy Sỹ, ở vị trí thứ 18, tăng 4 bậc so với cuối năm 2016. Giá trị vốn hóa thị trường của Neslé vào ngày 27/12/2017 đạt 264 tỷ USD.
Các tên tuổi danh giá khác của Thụy Sỹ, tập đoàn dược phẩm Roche đứng ở vị trí thứ 31, trong khi đối thủ cạnh tranh của Roche là Novartis, ở vị trí thứ 37. Tổng giá trị của ba công ty Thụy Sỹ kể trên (trong Top 100 doanh nghiệp hàng đầu của thế giới) đã tăng 12%, đạt mức 662 tỷ USD, tương ứng với giá trị vốn hóa của Microsoft.
Mỹ có 54 doanh nghiệp lọt vào Top 100, trong khi 24 doanh nghiệp khác thuộc châu Âu và châu Á có 22 doanh nghiệp, cũng theo nghiên cứu của công ty EY. Sự thống trị của các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi châu Âu vẫn hướng về công nghiệp truyền thống nhiều hơn.