Giới phân tích cho rằng với diễn biến mới làm gia tăng sự bất định về vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một quyền Bộ trưởng Quốc phòng mang quan điểm “cứng rắn” hơn.
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ông Esper từng tham gia Học viện Quân sự Mỹ với Ngoại trưởng Mike Pompeo, đảm nhiệm vị trí người đứng đầu tại viện nghiên cứu Quỹ Di sản và là một trong những quan chức mang quan điểm “diều hâu” mạnh mẽ nhất trong chính quyền Tổng thống Trump.
Ông Esper từng tiết lộ quan điểm tập trung lâu dài vào Trung Quốc trước khi có sự thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Washington, coi Bắc Kinh là đối thủ trực tiếp. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, ông nói rằng quan điểm của ông về Trung Quốc đã được định hình từ nhiều vấn đề khác nhau khi ông theo dõi sự phát triển của quốc gia châu Á này trong hơn 20 năm.
“Chúng ta có thể hơi muộn trong việc nhận ra chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”, vị quan chức quân sự cho biết.
Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng vị quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ sẽ thể hiện theo quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc hơn người tiền nhiệm Patrick Shanahan – người vừa từ chức hôm 18/6 vì “lý do gia đình”.
“Ứng viên mới sẽ có một vài động thái gây chú ý, vì một cựu quân nhân thường thích xuất hiện với dáng vẻ một nhân vật diều hâu”, Yue Gang – một Đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu – nhấn định. Ông này lưu ý chính vì thiếu kinh nghiệm quân sự nên ông Shanahan gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình kiểm định năng lực.
Tuy nhiên, bất chấp khác biệt trong tính cách của các đời bộ trưởng quốc phòng, ông Yue cho rằng cách tiếp cận của Lầu Năm Góc đối với Trung Quốc về mặt quân sự vẫn duy trì tính “trưởng thành và phần lớn có thể đoán được”. “Chính sách quốc phòng Mỹ, một mặt coi Trung Quốc và Nga như các bên cạnh tranh chiến lược, một mặt muốn tránh căng thẳng vượt tầm kiểm soát, sẽ vẫn như cũ”.
Zhou Chenming, một nhà bình luận quân sự làm việc tại Bắc Kinh, cho biết một trong những kết quả từ lần bổ nhiệm mới này là những thỏa thuận đạt được trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời ông Shanahan sẽ quay trở lại điểm xuất phát.
Cụ thể, tại diễn đàn quân sự Đối thoại Shangri-La mới đây tổ chức ở Singapore, ông Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thảo luận về “các biện pháp xây dựng quan hệ quân sự nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai”.
“Sự ra đi của ông Shanahan đồng nghĩa với việc tất cả mọi thứ họ nhất trí tại Đối thoại Shangri-La sẽ quay trở lại điểm khởi đầu. Bây giờ điều chúng ta cần là một bộ trưởng quốc phòng sáng tạo có thể xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung bằng sự linh hoạt”, Giáo sư Zhou nhận định.