Ông Mulino, 65 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 sau chiến dịch tranh cử sẽ đóng cửa tuyến đường di cư nguy hiểm qua rừng rậm Darien Gap nối với Colombia hướng đến Mỹ. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Mulino cho biết Panama không thể tiếp tục trang trải chi phí khắc phục những thiệt hại về kinh tế do hoạt động di cư bất hợp pháp gây ra và sẽ không còn là điểm trung chuyển của những người di cư trái phép.
Cũng sau buổi lễ này, đại diện Chính phủ Panama đã ký thỏa thuận với Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas, theo đó Washington cam kết tài trợ cho Panama để hồi hương những người di cư bất hợp pháp từ quốc gia Trung Mỹ này.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nêu rõ việc đưa những người vượt biên trái phép trở về quê hương sẽ giúp ngăn chặn tình trạng di cư trái phép trong khu vực và ở biên giới phía Nam của Mỹ, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của các mạng lưới buôn người.
Tuy được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, nhưng rừng Darien Gap - với chiều dài 265 km - vẫn là "hành lang chính" cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến nước Mỹ bởi đây là con đường ngắn hơn so với đường biển và chi phí cũng thấp hơn đáng kể. Trên hành trình đi qua Darien Gap, người di cư có thể đối mặt với nhiều nguy cơ từ rắn độc, thú dữ, địa hình hiểm trở, các nhóm cướp và các băng nhóm tội phạm chuyên tống tiền, bắt cóc và lạm dụng họ. Việc có quá nhiều người di cư lựa chọn băng qua rừng rậm Darien Gap khiến Chính phủ Panama phải thiết lập các cơ sở vật chất và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ họ.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), trong năm ngoái đã có hơn 500.000 người vượt qua Darien Gap để tới Mỹ, trong đo có nhiều người đi từ Venezuela và các nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) dự đoán tới cuối năm 2024, dòng người di cư tới Mỹ qua ngả này có thể tăng lên 800.000 người, trong đó có khoảng 160.000 trẻ em.