Ông Williams, người cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban chính sách của Fed, nhận định việc một số hoạt động của chính phủ phải tạm dừng nếu vẫn tiếp diễn có thể khiến tăng trưởng GDP trong quý I/2019 giảm 0,5 điểm phần trăm, thậm chí là 1 điểm. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng tăng trưởng sẽ có sự bứt phá nếu tình trạng này chấm dứt.
Các nhà kinh tế cho rằng, tình trạng chính phủ đóng cửa không chỉ khiến nhân viên của chính phủ liên bang không được trả lương mà còn gây trở ngại cho hoạt động kinh tế một cách có hệ thống, làm gián đoạn việc cấp phép, thu thập dữ liệu, phê chuẩn các quy định, thanh toán các hợp động, thanh toán các khoản trợ cấp và những khoản vay trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo thiệt hại do việc chính phủ đóng cửa sẽ tồi tệ hơn nếu kéo dài. Các dự báo đưa ra các mức thiệt hại khoảng 0,05-0,1 điểm phần trăm cho tăng trưởng trong mỗi tuần chính phủ tiếp tục đóng cửa.
Tháng trước, Fed đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2019 sẽ đạt 2,3%, thấp hơn nhiều so với năm 2018. Việc chính phủ đóng cửa một phần trong bốn tuần đã bắt đầu ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng Mỹ. Theo các nhà kinh tế của Đại học Michigan, cuộc khảo sát tiêu dùng hàng tháng công bố ngày 18/1 cho thấy, lòng tin của người tiêu dùng hiện ở mức thấp nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ngày 18/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ đưa ra một thông báo quan trọng vào ngày 19/1 liên quan đến việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần đang diễn ra. Động thái này cho thấy khả năng Tổng Thống Trump đang chuẩn bị kế hoạch cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ liên quan đến khoản chi ngân sách 5 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, đồng thời chấm dứt tình trạng chính phủ Mỹ phải đóng cửa.