Trong một thập kỉ qua, Trung Quốc đã rất nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng nước này đang “trở mình hòa bình”. Thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” lần đầu tiên xuất hiện năm 2003, khi Zheng Bijian, người sau đó trở thành Phó Giám đốc Trường Đảng Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Sau đó, nhiều lãnh đạo Trung Quốc hay nhắc đến cụm từ này trong nhiều bối cảnh quan hệ quốc tế khác nhau.
Nguyên tắc chủ đạo của thuyết “trỗi dậy hòa bình”, mà một năm sau đó được sửa thành “phát triển hòa bình” là: Trung Quốc không tìm kiếm vai trò bá chủ; sự vươn lên về kinh tế và quân sự sẽ không gây ra những mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở khu vực, trên thế giới; các nước sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Bắc Kinh coi trọng vai trò của quyền lực mềm và thừa nhận thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng sẽ góp phần nâng cao quyền lực quốc gia toàn diện.
Một lý do dẫn đến sự ra đời của thuyết “trỗi dậy hòa bình” là để phản kháng những người xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Trên bình diện rộng, “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” nói rằng, một nền kinh tế tăng trưởng liên tục sẽ cho phép Bắc Kinh tăng chi phí quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Sức mạnh gia tăng này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực theo có lợi cho Trung Quốc. Nhiều người nhìn nhận, thuyết này là do Mỹ “reo rắc", như là một phần trong chiến lược kiềm tỏa Trung Quốc của Washington.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước đi nguy hiểm. |
Những sự kiện diễn ra tại châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2007 trở lại đây cho thấy: “Mối đe dọa” Trung Quốc chính lại là do Bắc Kinh tự gây ra, khi họ theo đuổi cách tiếp cận hiếu chiến với các nước láng giềng. Các tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc tăng cường các hoạt động để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông. Các tàu này bắt giữ, tấn công nhằm vào tàu cá các nước Đông Nam Á tại những ngư trường truyền thống, đe dọa đâm va với tàu chiến Mỹ…
Không những vậy, Bắc Kinh còn có các bước đi làm thay đổi nguyên trạng tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình cái mà họ gọi là “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc phái nhiều tàu đến “gây sự” và cuối cùng là kiểm soát bãi cạn Scarborough. Cùng thời điểm này, Bắc Kinh cho thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, cho thiết lập một đơn vị quân sự tại đây. Từ năm 2011, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía nam, mời thầu quốc tế các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hơn hai tuần gần đây, căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan khổng lồ tại vùng biển Hoàng Sa, chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý – một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Để bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc đã phái rất nhiều tàu ra hộ tống, trong đó có cả tàu chiến.
Cách hành xử này chỉ chứng minh rằng, thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đã “chết”. Sự hiếu chiến của Bắc Kinh đã làm nhiều nước láng giềng xa lánh. Chỉ có tôn trọng hòa bình, an ninh của quốc tế, khu vực cùng với luật pháp quốc tế, Trung Quốc mới có thể giảm căng thẳng ở khu vực, đồng thời duy trì phát triển trong dài hạn.
HT (Nationalinterest)