Theo đài RT, tàu Hessen được điều tới Biển Đỏ để tham gia sứ mệnh chống Houthi của Liên minh châu Âu (EU).
Tàu Hessen từng bắn hạ hai UAV của Houthi cách nhau 15 phút vào ngày 27/2. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Michael Stempfle, vào tối 26/2, tàu khu trục này đã sử dụng hai tên lửa SM-2 để nhắm vào một UAV không xác định, nhưng cả hai đều không bắn trúng mục tiêu.
Ông Stempfle nói: “Vụ việc đã được giải quyết theo hướng đó không phải là một máy bay không người lái thù địch. Điều này sau đó mới rõ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã xác nhận tuyên bố của ông Stempfle khi đến thăm một căn cứ quân sự ở Bavaria vào tối 28/2.
Theo một blog quân sự Đức, tên lửa SM-2 không bắn trúng mục tiêu vì lý do kỹ thuật. Ngày hôm sau, tàu Hessen đã phải sử dụng pháo 76mm để xử lý chiếc UAV của Houthi. Sau đó, tàu chiến này đã sử dụng tên lửa RAM tầm ngắn để bắn hạ một UAV nữa của Houthi vào sáng 28/2.
Trước khi bắn, tàu Hessen đã tìm cách xác định chiếc UAV bằng cách liên hệ với các tàu bạn khác ở Biển Đỏ, nhưng không quốc gia nào nhận đó là UAV của mình. Sau đó, hóa ra chiếc UAV này là một chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ nhưng không được báo cáo. Nó đang bay nhưng đã tắt thiết bị phát đáp. Mỹ đã không thông báo cho các tàu chiến đồng minh về nhiệm vụ của mình.
Sự cố trên xảy ra khi Mỹ và một số đồng minh điều tàu tới Biển Đỏ và Vịnh Aden để nỗ lực ngăn chặn lực lượng Houthi tấn công tàu thuyền liên quan Israel dọc theo tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng này. Các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu thương mại bắt đầu vào cuối tháng 10/2023 và nhóm này cho biết sẽ tiếp tục chừng nào Israel còn tấn công người Palestine ở Gaza.
Tàu Hessen của Đức là một phần trong sứ mệnh của EU tại Biển Đỏ có tên là Aspides (tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Lá chắn"). Sứ mệnh này khác “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” do Mỹ dẫn đầu, cũng nhằm mục đích bảo vệ các tàu thương mại.
Lực lượng Houthi ban đầu chỉ nhắm mục tiêu vào các tàu có liên quan Israel, nhưng đã mở rộng phạm vi tấn công sang cả các tàu chở hàng có liên quan Mỹ và Anh, sau khi tàu và máy bay của hai nước này bắt đầu ném bom Yemen vào tháng 1.
Gần đây nhất, ngày 24/2, các lực lượng Mỹ và Anh đã tiến hành một đợt không kích mới nhằm vào 18 mục tiêu của Houthi tại Yemen. Theo một tuyên bố chung của hai bên, các cuộc tấn công đặc biệt nhắm đến 18 mục tiêu của Houthi tại 8 địa điểm ở Yemen, bao gồm các kho cất giấu vũ khí, các máy bay tấn công không người lái, hệ thống phòng không, radar và một trực thăng.
Video máy bay chiến đấu F/A-18 SUPER HORNET của Mỹ cất cánh để thực hiện các cuộc tấn công mục tiêu của Houthi ở Yemen (nguồn: US CENTCOM/X):
Truyền thông của Houthi cùng ngày đã đưa tin về hàng loạt cuộc đột kích vào thủ đô Sanaa. Đợt không kích mới này là đợt tấn công lần thứ hai trong tháng 2 này của các lực lượng Mỹ, Anh và là đợt thứ 4 kể từ khi Houthi tấn công các tàu trên Biển Đỏ.
Sau các cuộc tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố nước này sẽ không ngần ngại hành động khi cần thiết để bảo vệ sinh mạng và dòng chảy thương mại tự do ở một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Mỹ cảnh báo Houthi về việc lực lượng này sẽ phải tiếp tục gánh chịu hậu quả nếu không ngừng các cuộc tấn công bất hợp pháp, gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Đông, gây thiệt hại về môi trường và làm gián đoạn việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Yemen và các nước khác.
Đợt không kích mới nhất diễn ra sau khi tuần này một số tàu thương mại bị tấn công trong khu vực, bao gồm cả vụ tấn công tàu Rubymar chở 41.000 tấn phân bón Rubymar trên Vịnh Aden hôm 18/2. Thủy thủ đoàn đã phải bỏ lại con tàu và sau vụ tấn công đã xuất hiện vết dầu loang dài tới 29 km. Ngoài các hoạt động chung với Anh, Mỹ còn thực hiện các cuộc tấn công đơn phương nhằm vào các vị trí và các kho vũ khí của Houthi ở Yemen, đồng thời bắn hạ hàng chục tên lửa và máy bay không người lái ở Biển Đỏ.