Chiếc DSRV đã rời căn cứ ở Visakhapatnam, miền đông Ấn Độ. Đây là loại tàu đặc chủng, chuyên thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tàu ngầm bị đắm hoặc gặp nạn do thiên tai ở vùng biển xa.
DSRV được Ấn Độ đặt mua từ nhà thầu quốc phòng James Fishes (Anh) và là thiết bị được áp dụng những công nghệ, tính năng mới nhất về cứu hộ biển sâu. Hải quân Ấn Độ đã từng diễn tập cứu hộ tàu ngầm bằng DSRV, sơ tán thành công người từ tàu ngầm sang tàu lặn.
DSRV được trang bị hệ thống cảm biến cùng với một thiết bị hoạt động điều khiển từ xa (ROV) giúp dọn dẹp các chướng ngại vật dưới biển sâu, xác định vị trí tàu đắm. Loại tàu lặn này có thể cứu hộ thủy thủ đoàn trên tàu ngầm gặp nạn ở độ sâu 650m. DSRV được đưa tới hiện trường cứu hộ bằng đường không hoặc đường biển.
Điểm mấu chốt nhất trong cứu hộ tàu ngầm bằng DSRV chính là quá trình ráp nối DSRV với cửa sập của tàu ngầm để tạo ra khoảng không gian khép kín giúp sơ tán thủy thủ đoàn sang tàu lặn. Do được thiết kế đặc biệt, khu vực cửa sập của tàu ngầm luôn được gia cố chắc chắn hơn so với các điểm khác trên bề mặt tàu, giúp cho tàu ngầm chịu được tải trọng của DSRV khi ráp nối.
Như tin đã đưa, tàu ngầm KRI Nanggala 402 với thủy thủ đoàn gồm 53 người tham gia một cuộc tập trận phóng ngư lôi ở vùng biển phía Bắc đảo Bali. Theo kế hoạch, trong ngày 21/4 tàu phải báo cáo kết quả cuộc tập trận. Tuy nhiên, con tàu đã mất liên lạc vào 4h30' sáng 21/4 và Hải quân Indonesia không nhận được báo cáo từ tàu này.
Hoạt động tìm kiếm từ trên không đã phát hiện các vệt dầu loang quanh khu vực nghi là vị trí tàu đắm. Hải quân Indonesia đã đưa ra nghi vấn tàu KRI Nanggala 402 xảy ra sự cố mất điện toàn bộ khi đang lặn tĩnh tại vùng biển Bali, khiến tàu mất kiểm soát không thực hiện được các quy trình khẩn cấp và bị chìm sâu xuống biển. Vùng biển này nông hơn những vùng biển khác của Indonesia song cũng có những nơi có thể sâu hơn 1.500 mét.