Theo hãng tin Reuters (Anh), Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã xác nhận thông tin trên trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 22/9, kèm bức ảnh một con tàu trên biển. Ông cho biết tàu Aroyat đã rời cảng Chornomorsk, chở 17.600 tấn lúa mì của Ukraine sang Ai Cập. Động thái này là một phần trong chiến dịch của Kiev nhằm phá vỡ lệnh phong tỏa Biển Đen của Nga.
Kiev cho biết đây là chuyến tàu thứ hai chở hàng rời cảng trong tuần này thông qua hành lang nhân đạo tạm thời mới thiết lập. Trước đó, tàu Resilient Africa đã rời cảng hôm 19/9, thử nghiệm tuyến đường vận chuyển này nhưng chỉ chở lượng hàng hóa 3.000 tấn.
Sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi năm ngoái, Moskva đã phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng tất cả tàu hướng đến các cảng của Ukraine có khả năng mang vũ khí. Trong khi đó, Kiev và các quốc gia ủng hộ phương Tây gọi đây là nỗ lực đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu.
Đến tháng 7/2022, các cảng này đã mở cửa trở lại theo thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian, cho phép Nga kiểm tra vũ khí trên các con tàu. Nhưng một năm sau, Moskva đã rút khỏi thỏa thuận này và tái áp lệnh phong tỏa khu vực. Nga cho rằng phương Tây không thực hiện cam kết đảm bảo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này.
Tháng trước, Ukraine đã công bố “hành lang nhân đạo” ở Biển Đen. Ban đầu, hành lang này được sử dụng để giải phóng những con tàu không chở ngũ cốc và không nằm trong thỏa thuận ngũ cốc vốn đã bị mắc kẹt tại các cảng của nước này trong hơn 1 năm. Cho đến nay, 5 chuyến tàu đã rời cảng thông qua hành lang nhân đạo ôm lấy bờ biển phía Tây Biển Đen gần Romania và Bulgaria.
Trong khi các cảng Biển Đen bị phong tỏa, Kiev vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu từ các cảng trên sông Danube. Kiev cũng cáo buộc Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Ba cảng biển của Odessa đã vận chuyển hàng chục triệu tấn ngũ cốc theo thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian trước khi Nga rút khỏi thỏa thuận này.
Thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ký kết năm 2022, cho phép thực hiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác một cách an toàn từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc vẫn chưa thuyết phục được Nga quay lại thỏa thuận này.
Hôm 16/9, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố Moskva đã nhiều lần khẳng định cơ hội khôi phục thỏa thuận Sáng kiến Biển Đen luôn rộng mở. Theo ông Antonov, chỉ cần các yêu cầu chính đáng của phía Nga được đáp ứng, những thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian sẽ được thực thi nghiêm túc.