Cơ quan an toàn hàng hải Australian (AMSA) ngày 4/1 cho biết Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã chấp thuận đề nghị của AMSA phái tàu phá băng Polar Star tới Nam Cực để giải cứu tàu Akademik Shokalskiy của Nga và tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc bị mắc kẹt tại khu vực này.
Tàu phá băng Polar starbcủa Mỹ. Ảnh: Reuters |
Trong tuyên bố mới nhất, AMSA cho biết tàu phá băng Polar Star sẽ rời Sydney trong ngày 5/1 và dự kiến tới Nam Cực vào ngày 11/1. Tháng trước, con tàu này vừa hoàn thành sứ mệnh mở tuyến hàng hải tiếp tế lương thực, nhiên liệu và các hàng hóa khác cho trạm nghiên cứu McMurdo trên đảo Ross thuộc quyền kiểm soát của Mỹ ở Nam Cực.
Tàu phá băng Polar Star dài 122m, có khả năng liên tục phá băng dày 1,8m trong quá trình di chuyển với vận tốc 3 hải lý/giờ. Tàu cũng có khả năng phá băng dày tới hơn 6m.
Ngày 26/12, tàu nghiên cứu Akademik Shokalskiy của Nga chở theo 22 thành viên phi hành đoàn và 52 hành khách đã bị mắc kẹt tại Nam Cực ở vị trí cách đảo Tasmania của Australia hơn 2.700 km về phía Nam. Để giải cứu các hành khách, Trung Quốc đã điều tàu phá băng Tuyết Long tới hỗ trợ nhưng con tàu này sau đó cũng bị mắc kẹt luôn trong lớp băng dầy ở Nam Cực. Tuy nhiên đến ngày 2/1, tàu tiếp vận Aurora Australis của Australia đã cử máy bay trực thăng giải cứu thành công 52 hành khách trên tàu Akademik Shokalskiy, gồm 22 nhà khoa học, 26 khách du lịch và 4 nhà báo. Dự kiến, toàn bộ số hành khách này sẽ trở về đất liền trong vài tuần tới trong khi thủy thủ đoàn 22 người tiếp tục ở lại trên tàu cho tới khi băng tan để đưa tàu về đất liền. Việc tàu Akademik Shokalskiy bị mắc kẹt đã khiến nhiều chương trình nghiên cứu tại Nam Cực của các nhà khoa học Pháp, Trung Quốc và Australia bị hủy bỏ.
TTXVN/Tin tức