Ngày 12/8, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 3 tàu Hải cảnh của Trung Quốc vẫn tiếp tục đi lại trong vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), tỉnh Okinawa, miền nam Nhật Bản. Như vậy các tàu này đã có mặt ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp 4 ngày liên tục.Tàu tuần dương Trung Quốc ở gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo Văn phòng JCG Khu vực 11 (thành phố Naha), 3 tàu trên có số hiệu lần lượt là “Hải cảnh 2101”, “Hải cảnh 2112” và “Hải cảnh 2151”. Tàu tuần tra của JCG đã phát tín hiệu cảnh báo tàu Trung Quốc không được tiếp cận.
Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông và gọi là Điếu Ngư.
Hồi tháng 4, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ có trách nhiệm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy hai bên còn chưa thu hẹp được khác biệt liên quan đến Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng Nhật Bản đã nhận được lời bảo đảm quan trọng từ phía Mỹ về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Hiệp định cam kết của chúng tôi đối với an ninh của Nhật Bản là không phải bàn cãi. Điều 5 đề cập tới mọi vùng lãnh thổ đặt dưới quyền quản lý của Nhật Bản, trong đó có Senkaku/Điếu Ngư”.
Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên công khai khẳng định Washington có trách nhiệm bảo vệ quần đảo ở biển Hoa Đông này, dù rằng giới chức Mỹ nhiều lần tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi của Hiệp định An ninh Nhật – Mỹ. Đây được xem là một thành công đối với Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Abe trong việc xử lý tranh chấp chủ quyền ở vùng biển đảo này.
TN