Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), vào lúc 1 giờ 34 phút sáng 28/2, theo giờ bờ Đông nước Mỹ (13h34 cùng ngày theo giờ Hà Nội), vệ tinh gián điệp Cosmos-2221 của Nga (được phóng lên vào tháng 11/1992) đã lướt qua một tàu vũ trụ TIMED của NASA đang làm nhiệm vụ nghiên cứu bầu khí quyển Trái đất từ năm 2001.
Trong một bản cập nhật mới nhất, các quan chức NASA cho biết TIMED và Cosmos - 2221 đều không thể điều khiển được và chúng sẽ tiếp cận nhau một lần nữa, nhưng đây là lần chúng lướt qua nhau ở cự ly gần nhất.
Bản cập nhật của NASA không báo cáo về khoảng cách giữa TIMED và Cosmos-2221, nhưng số liệu của công ty giám sát vệ tinh LeoLabs cho thấy khi xảy ra tình huống nguy hiểm, TIMED và Cosmos-2221 đang quay ở độ cao khoảng 378 dặm (608 km) và cách nhau chưa đầy 65 feet (20 mét).
Trang tin space.com cho biết những lần suýt va chạm nêu trên ngày càng trở nên phổ biến hơn khi quỹ đạo Trái đất ngày càng đông đúc.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, hiện có khoảng 11.500 vệ tinh đang bay quanh Trái đất và chỉ có 9.000 trong số đó vẫn hoạt động.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi hiện có khoảng 36.500 mảnh vụn có chiều rộng ít nhất 4 inch (10 cm) cũng như có hơn 130 triệu mảnh vụn khác có đường kính từ 1 mm trở lên bay vòng quanh hành tinh của chúng ta,
Ngay cả những mảnh vỡ nhỏ như vậy cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho vệ tinh nếu xét đến tốc độ di chuyển của mọi thứ trên quỹ đạo Trái đất. Ví dụ, ở độ cao 250 dặm (400 km) trở lên - độ cao trung bình của Trạm vũ trụ quốc tế - các vật thể đang di chuyển với tốc độ khoảng 17.500 mph (28.160 km/h).