Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy chủ trì cuộc họp nội các tại Madrid, ngày 11/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Thủ tướng Rajoy nêu rõ: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để tránh rơi vào tình thế khó khăn. Các bạn sẽ hiểu là không dễ dàng gì khi một quốc gia, cho một chính phủ thành viên EU phải chứng kiến cảnh luật pháp đang bị hủy hoại" trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập trái phép ở Catalonia vừa qua.
Ông cho biết sẽ công bố các biện pháp nhằm áp đặt quyền điều hành trực tiếp đối với vùng Catalonia sau cuộc trưng cầu về nền độc lập. Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, những biện pháp này, dựa trên một điều khoản chưa từng được sử dụng trong Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978, sẽ nhận được sự ủng hộ từ đảng Xã hội (PSOE) đối lập và đảng Công dân (Ciudadanos).
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo đã nhất trí với PSOE đối lập để tổ chức cuộc bầu cử ở vùng Catalonia vào tháng 1/2018 như một phần trong gói các biện pháp đặc biệt nhằm áp đặt tạm thời quyền điều hành trực tiếp đối với vùng này.
Dự kiến, Thủ tướng Rajoy sẽ triệu tập một cuộc họp nội các đặc biệt vào ngày 21/10 để đưa ra các quyết định về vấn đề Catalonia. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, chính quyền Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo ngày 21/10 tới, chính phủ nước này sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp, cho phép Madrid đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalonia nếu lãnh đạo vùng này ngoan cố thúc đẩy độc lập, đồng thời nhất trí kêu gọi cuộc bầu cử mới. Trước đó, ngày 17/10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố luật trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là vô giá trị.