Kết quả nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Nature cho biết, mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã giải mã thành công bộ gien bệnh bạch cầu limphô bào mạn, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc chiến chống ung thư và u bướu trên thế giới.
Bệnh bạch cầu limphô bào mạn được hiểu như khi tăng sinh mô limphô, cơ thể bị xâm lấn bởi nhiều limphô bào trưởng và đa số thuộc limphô loại B, thường diễn ra đối với người cao tuổi. Về lâm sàng, người bệnh có hạch toàn thân kết hợp với gan lách sưng to, trong khi về huyết học thì lượng bạch cầu tăng trên 50.000.
Công trình nghiên cứu, do tập thể bác sỹ bệnh viện Clinic, các trường đại học Bácxêlôna và Ôviađô của Tây Ban Nha tiến hành trong nhiều thập kỷ với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ 11 quốc gia, bao gồm quá trình giải mã 3 tỷ nuclêôtít lấy ra từ các tế bào ung thư của 4 bệnh nhân và đem so sánh với bộ gien của các tế bào không nhiễm bệnh của cùng 4 bệnh nhân này. Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học rút ra kết luận rằng tại mỗi một khối u có thể diễn ra hơn 1.000 đột biến trong bộ gien người bệnh.
Để có kết quả đáng tin cậy và đi đến kết luận từng đột biến, các nhà nghiên cứu đã dùng công nghệ tin học và phương tiện hiện đại nhất, trong đó có loại máy có khả năng phân tích 6 bộ gien người trong 24 giờ và phầm mềm Sidron, để đọc và so sánh kết quả ít nhất 30 lần sau mỗi phân tích một nuclêôtít và sau đó kết hợp với việc nghiên cứu so sánh với công trình nghiên cứu khác đối với 300 bệnh nhân u bướu để xác định các loại gien mang đột biến gây ra căn bệnh trên.
Hàng năm, có trên 1.000 ca bệnh này được phát hiện tại Tây Ban Nha và nếu không được điều trị kịp thời, khả năng dẫn đến tử vong cho người bệnh rất cao.
Việt Hòa (P/v TTXVN tại Mêhicô)