Tây Ban Nha là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất, với số ca tử vong đã ở mức cao thứ 3 thế giới sau khi ghi nhận 0 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.991 ca. Bất chấp lệnh phong tỏa chưa từng thấy được áp đặt từ ngày 14/3, cả số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng, khiến chính quyền kêu gọi quân đội tham gia nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 24/3 đã đề nghị Quốc hội kéo dài sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/4. Bộ Y tế cũng đã tăng cường việc xét nghiệm, số người được xét đã tăng gần 20%, lên 39.673 người.
Phát biểu tại họp báo được truyền hình, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết: "Đây là một tuần rất nặng nề vì chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu chống dịch, giai đoạn sắp đến gần tới đỉnh dịch". Giống như nhiều quốc gia khác, Tây Ban Nha đang vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị xét nghiệm, điều trị và thiết bị bảo hộ cho các nhân viên ở tuyến đầu.
Trong một tuyên bố, NATO cho biết quân đội Tây Ban Nha đã đề nghị "sự hỗ trợ quốc tế", tìm kiếm nguồn cung y tế để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở cả trong quân đội và dân thường. Đề nghị gồm 450.000 máy trợ thở, 500.000 bộ xét nghiệm nhanh, 500 máy khí dung và 1,5 triệu khẩu trang y tế.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang nghiên cứu các kế hoạch tự sản xuất các trang thiết bị y tế cần cho cuộc chiến chống COVID-19. Bộ trưởng Công nghiệp Maria Reyes Maroto cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nói đến một ngành công nghiệp thời chiến, một nền kinh tế thời chiến".
Theo phóng viên TTXVN tại Roma, ngày 24/3 là ngày thứ ba Italy ghi nhận đà giảm số ca nhiễm mới trong một ngày. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết nước này ghi nhận thêm 5.249 ca nhiễm mới trong ngày 24/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 69.176 trường hợp.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 24/3, Italy đã ghi nhận 743 ca tử vong mới, cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại Italy kể từ khi bùng phát dịch, đảo ngược xu hướng giảm số ca tử vong trong hai ngày qua và nâng tổng số ca tử vong lên 6.820 ca. Số ca hồi phục tăng lên 8.326 trường hợp (tăng 894 người).
Trả lời phỏng vấn của báo giới tại Geneve về tình hình dịch COVID-19 tại Italy, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho rằng tại Italy “đang xuất hiện tia hy vọng”, song vẫn còn quá sớm để đưa ra những đánh giá lạc quan.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Italy đã tăng mức phạt những người vi phạm lệnh phong tỏa. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Guiseppe Conte cho biết bất kỳ ai rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 400 - 3.000 euro, tăng so với mức phạt 206 euro trước đây.
Trước đó, mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã được yêu cầu đóng cửa đến ngày 3/4, mọi người được yêu cầu ở trong nhà. Thủ tướng Conte bày tỏ hy vọng sẽ sớm dỡ bỏ các hạn chế này.
* Trong khi đó, tại Pháp, một ủy ban khoa học khuyến cáo chính phủ nên duy trì lệnh phong tỏa toàn quốc ít nhất 6 tuần tính từ ngày được ban bố 17/3 vừa qua. Ủy ban trên gồm các bác sĩ và chuyên gia xã hội học, được Bộ Y tế thành lập để cố vấn cho Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ về cách thức tốt nhất để chống dịch COVID-19.
Lệnh phong tỏa toàn quốc đã được thực thi tại Pháp một tuần qua, theo đó mọi người phải ở trong nhà, trừ các trường hợp quan trọng. Phát biểu sau cuộc hội đàm với các chuyên gia ủy ban nói trên tại Điện Elysee, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết con số 6 tuần là một "ước tính" và không ai biết được lệnh phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu. Ông nhấn mạnh: "Phong tỏa sẽ kéo dài đến khi nào còn cần". Các chuyên gia cho biết phong tỏa hiện là "chiến lược duy nhất" thiết thực và hiệu quả, các chiến lược khác như xét nghiệm hàng loạt hay cách ly toàn bộ các ca nhiễm không thể thực hiện trên quy mô toàn quốc.
Hiện Pháp đã ghi nhận tổng cộng 22.304 ca nhiễm và 1.100 ca tử vong, là nước có số ca tử vong nhiều thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Italy, Iran và Tây Ban Nha.
Một bệnh viện dã chiến đã được quân đội Pháp đã bắt đầu hoạt động nhằm giảm sức ép cho các đơn vị chăm sóc tăng cường ở miền Đông có nhiều ca nhiễm nhất. Bệnh viện dã chiến, một cấu trúc tạm thời gồm nhiều lều thường được dùng để hỗ trợ các thương binh tại khu vực có chiến sự, đã được dựng lên tại khu vực bãi đỗ xe bên cạnh bệnh viện chính của thành phố Mulhouse, nơi đã quá tải các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết bệnh viện này có thể tiếp nhận và điều trị cho 30 bệnh nhân.
Trong một động thái bất thường khác, Bộ trưởng Y tế Veran cho biết Pháp sẽ sử dụng một đoàn tàu cao tốc (TGV) đặc biệt để sơ tán 30 ca nhiễm từ miền Đông đến các nơi khác của Pháp điều trị.
Cùng ngày 24/3, cảnh sát Pháp cũng đã di chuyển hàng trăm người nhập cư khỏi một trại tị nạn ở phía Bắc thủ đô Paris, trong một động thái nhằm hạn chế sự lây lan virus sang những người vô gia cư quanh thủ đô. Các nhà chức trách cho biết họ sẽ được đưa tới các khách sạn, các phòng tập gym tai Paris và vùng ngoại ô. Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết việc này nhằm "bảo vệ sức khỏe của những người dễ bị tổn thương nhất... đặc biệt là tránh tập trung quá đông. Theo ông, nhà chức trách sẽ không kiểm tra quy chế nhập cư của họ.
Cũng trong nỗ lực trên, Cung điện Liên hoan, nơi tổ chức các kỳ Liên hoan phim Cannes, sẽ mở cửa để tiếp nhận những người vô gia cư trong vùng từ ngày 27/3 tới. Trong khi đó, Ban tổ chức liên hoan phim thường niên, dự kiến diễn ra ngày 12-23/5 tới, đã quyết định hoãn sự kiện này cho đến cuối tháng 6.
Cùng ngày, Bộ Y tế Áo cho biết ngày 24/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên hơn 5.000 trường hợp với 28 ca tử vong. Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn báo cáo mới nhất của Bộ trên cho biết gần 1.000 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 24/3, phần lớn đều ở mức nhẹ, 211 người phải nhập viện và 24 trường hợp cần chăm sóc y tế đặc biệt. Hiện tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn nước Áo là 5.283 ca (theo trang thống kê worldometers.info).
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Y tế Rudolf Anschober cho biết trong hơn tuần qua, khả năng xét nghiệm của Áo đã tăng gấp đôi, lên khoảng từ 2.000 - 4.000 ca xét nghiệm/ngày tại 20 phòng thí nghiệm. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng khẳng định nước này có đủ nguồn lực và có thể tiến hành khoảng 15.000 ca xét nghiệm/ngày trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục gia tăng. Ông nhấn mạnh Chính phủ Áo đã chuẩn bị về mặt hậu cần, đặc biệt là các thiết bị bảo hộ y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ông cho biết số trang thiết bị vật tư y tế này đã được đặt mua từ Đức, Malaysia và Trung Quốc. Dự kiến trong tuần này, lô hàng đầu tiên gồm 5 triệu khẩu trang từ Trung Quốc sẽ được chuyển tới Wien.
Liên quan đến các nước khác tại châu Âu, theo trang thống kê worldometes.info, Đức đã ghi nhận tổng cộng 32.991 ca nhiễm, trong đó 159 ca tử vong, Thụy Sĩ có 9.877 ca nhiễm và 122 ca tử vong, trong khi Anh ghi nhận 8.077 ca nhiễm và 422 ca tử vong, Hà Lan có 5.560 ca nhiễm và 276 ca tử vong, Bỉ có 4.269 ca nhiễm và 122 ca tử vong. Các nước Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển có nhiều hơn 2.000 ca nhiễm, dưới 50 ca tử vong, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, CH Séc, Ireland, Luxembourg có nhiều hơn 1.000 ca nhiễm.