Cảnh sát trưởng vùng Catalonia Josep Lluis Trapero trong cuộc họp báo tại Barcelona ngày 31/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là động thái mới nhất sau khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha áp đặt lệnh kiểm soát trực tiếp đối với khu vực vừa tự tuyên bố độc lập này.
Trước đó, ngày 27/10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết ông đã giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12 tới trong một nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua.
Nhà lãnh đạo này cũng chính thức cách chức lãnh đạo Catalonia của Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo của ông này như một phần trong các biện pháp "khôi phục lại trạng thái bình thường" sau khi nghị viện của Catalonia trước đó cùng ngày đã bỏ phiếu đơn phương tuyên bố độc lập.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng cần khẩn trương lắng nghe các công dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể hành động ngoài vòng luật pháp nhân danh họ".
Dư luận quốc tế cũng lên tiếng phản đối tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng này và lên án tuyên bố độc lập đơn phương. Các nước khác tại châu Âu như Pháp, Anh, Italy và Đức cũng đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua.
Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét. Chính phủ Đức thì cho hay ủng hộ lập trường của Thủ tướng Tây Ban Nha trong quyết tâm bảo vệ hiến pháp nước này.
Người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalonia được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà Tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp và rằng sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng. Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp dựa trên hiến định của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm duy trì một đất nước vững mạnh, thống nhất.