Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ mũi vaccine thứ 3 sẽ được triển khai tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, thay cho quy định từ 40 tuổi như trước đây. Thời gian tiêm giữa mũi 2 và mũi 3 cũng được quy định là 5 tháng, tức rút ngắn 1 tháng so với quy định trước. Trong khi đó, việc tiêm mũi vaccine thứ tư sẽ được triển khai đối với nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm bệnh nhân ung thư, người từng trải qua phẫu thuật cấy ghép hoặc mắc các bệnh phải lọc máu. Thời gian tiêm mũi 3 và mũi 4 cách nhau 5 tháng.
Tây Ban Nha hiện là nước đi đầu trên thế giới về chương trình tiêm chủng, với khoảng 90,5% dân số từ 12 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm chủng cơ bản ngừa COVID-19. Hiện ,5% trẻ từ 5 đến 11 tuổi tại nước này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Từ đầu dịch đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận hơn 7,7 triệu ca mắc và 90.508 ca tử vong. Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Tây Ban Nha đang chứng khiến sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới do biến thể Omicron. Việc quốc gia châu Âu này điều chỉnh chiến lược tiêm chủng nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm Omicron hiện đang đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế tại nhiều nước.
Cùng ngày, Slovenia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn diễn ra trong 3 ngày nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron. Theo đó, cho đến hết ngày 16/1, các trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước này sẽ mở cửa ít nhất 12 giờ/ngày để thực hiện tiêm chủng cho người dân và không yêu cầu hẹn trước.
Mặc dù Slovenia đã triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được hơn 1 năm , song đến nay tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng cơ bản của nước này mới đạt 57% dân số.
Theo Bộ trưởng Y tế Slovenia Janez Poklukar, chiến dịch tiêm chủng lần này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng, qua đó hỗ trợ Chính phủ khống chế dịch bệnh để có thể khôi phục trạng thái bình thường mới.
Bộ trưởng Janez Poklukar nhấn mạnh đến vai trò bảo vệ của vaccine khi cho biết 90% trong tổng số 153 bệnh nhân đang được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt là người chưa tiêm chủng.
Viện Y tế công Slovenia cho biết đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 512.793 ca mắc, trong đó có hơn 6.000 bệnh nhân không qua khỏi.