Các hiệp hội người tiêu dùng OCU và Facua nêu rõ các hãng trên bị phạt do tính phí đối với hành lý xách tay cỡ lớn, việc chọn chỗ ngồi, in vé máy bay, trong khi không cho phép trả tiền mặt tại quầy thủ tục hoặc mua đồ trên máy bay. Hai hiệp hội này đã tiến hành khiếu nại kể từ năm 2018 và Bộ Quyền lợi người tiêu dùng đã mở cuộc điều tra vào năm 2023.
Các án phạt trên được xem là thách thức đối với các mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ, vốn dựa vào giá vé siêu thấp để hút khách và tính thêm phí đối với các dịch vụ như hành lý xách tay cỡ lớn. OCU hy vọng các nước châu Âu khác cũng có sẽ có động thái tương tự để xử phạt những hành vi lạm dụng như vậy.
Tập đoàn hàng không ALA cho rằng quyết định của chính phủ Tây Ban Nha vi phạm các quy định thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU), cũng như quyền tự do thiết lập mức giá riêng của hãng.
Năm 2019, một tòa án Tây Ban Nha đã ra phán quyết cho rằng chính sách tính phí với hành lý xách tay của Ryanair là hành vi lạm dụng. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì chính sách với lý do hãng hàng không có quyền tự quyết về kích cỡ của hành lý xách tay.
Thời gian qua, thành công của các hãng hàng không giá rẻ và sức hấp dẫn từ chính sách giá vé thấp đã khiến nhiều hãng hàng không truyền thống ngừng cung cấp dịch vụ thức ăn và đồ uống miễn phí, dịch vụ giải trí trên các chuyến bay chặng ngắn và chặng trung.