Tây Ban Nha tăng độ tuổi được tiêm vaccine AstraZeneca

Tây Ban Nha ngày 22/3 đã quyết định tăng độ tuổi giới hạn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, từ 55 tuổi lên 65 tuổi.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại San Sebastian, Tây Ban Nha, ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias, quyết định điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng vaccine đã được đưa ra 2 ngày sau khi nước này khôi phục sử dụng vaccine của AstraZeneca cho chương trình tiêm chủng của nước này theo khuyến nghị của Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) liên quan đến những lo ngại về phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine loại này. EMA khẳng định vaccine của AstraZeneca "an toàn và hiệu quả" trong phòng chống dịch COVID-19. 

Sau khi các nhà quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép lưu hành vaccine của AstraZeneca hồi tháng 1/2021, Tây Ban Nha cũng như nhiều nước châu Âu cấp phép sử dụng vaccine này cho người dưới 55 tuổi do thiếu dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm ở nhóm người cao tuổi hơn. Sau khi có dữ liệu của các cuộc thử nghiệm bổ sung, nhiều nước như Đức, Pháp mở rộng độ tuổi tiêm chủng loại vaccine này. 

Với quyết định trên, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tây Ban Nha sẽ được đẩy nhanh hơn. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số nước này vào cuối mùa Hè 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 2,1 triệu người trong tổng số 47 triệu dân của Tây Ban Nha được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, và phần lớn những người này là nhân viên y tế và người già sống tại các trại dưỡng lão. 

Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm trên 3,2 triệu ca, bao gồm hơn 73.500 ca tử vong do COVID-19. 

* Tại Italy, truyền thông nước này ngày 22/3 đưa tin cuối tuần qua, ít nhất một trung tâm tiêm chủng tại vùng Lombardy không có người đến tiêm chủng do hệ thống đặt lịch tiêm chủng bị lỗi. Sự cố này phần nào làm chậm thêm chương trình tiêm chủng tại trung tâm kinh tế của quốc gia châu Âu này. Lombardy là khu vực chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 tại Italy khi số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao. Tình trạng lỗi hệ thống tương tự cũng đã xảy ra tại các tỉnh Como và Brianza. 

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Italy trong tình trạng chậm trễ do thiếu nguồn cung vaccine. Theo Bộ Y tế Italy, nước này đã tiêm chủng 7,8 triệu liều vaccine và tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho gần 2,5 triệu người, tương ứng 4,1% dân số nước này. Chính phủ Italy đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần số người được tiêm chủng, lên 500.000 người/ngày vào giữa tháng 4/2021 và tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho 80% dân số nước này vào giữa tháng 9/2020.

* Tại Cyprus, toàn bộ người trên 45 tuổi dự kiến sẽ được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong tuần đầu tiên của tháng 5/2021. 

Bộ Y tế nước này ngày 22/3 cho biết Cyprus dự kiến tiếp nhận thêm 270.000 liều vaccine vào cuối tháng 4/2021, qua đó đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của nước này. Cyprus hiện sử dụng cả 4 loại vaccine đã được EMA cấp phép gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson. Cyprus có kế hoạch mở cửa các sân bay đón khách du lịch từ giữa tháng 5/2021. Quốc gia châu Âu này dự kiến sẽ tiêm chủng cho 50% dân số, tức khoảng 450.000 người của nước này vào giữa tháng 6/2021 để có thể nối lại các hoạt động của ngành du lịch của nước này.

Lan Phương (TTXVN)
WHO chỉ trích sự bất công trong phân phối vaccine ngừa COVID-19
WHO chỉ trích sự bất công trong phân phối vaccine ngừa COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo xét về số lượng vaccine đã sử dụng, đồng thời gọi tình trạng bất công trong hoạt động tiêm chủng hiện nay "gây phẫn nộ trên khía cạnh đạo đức".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN