Chính điều này đã khiến số người di cư từ khu vực châu Phi qua vùng biển nói trên tới Italy giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 - thời điểm bắt đầu làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi tới "Lục địa Già".
Số liệu công bố ngày 4/1 của Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới và biển của Liên minh châu Âu (EU)- cho thấy trong năm 2018, số người di cư tìm cách vào châu Âu qua ngả này vào khoảng 150.000 - mức thấp nhất trong 5 năm qua và thấp hơn nhiều so với năm 2015, thời điểm ghi nhận số người di cư "đổ bộ" vào châu Âu cao kỷ lục - khoảng 1 triệu người.
Cụ thể, số người di cư tới Italy đã giảm tới 80%, còn khoảng 23.000 người - mức thấp nhất kể từ năm 2012. Trong khi đó, số người di cư tới Tây Ban Nha lại tăng gấp đôi, lên 57.000 người, khiến tuyến đường từ Maroc tới Bán đảo Iberia trở nên nhộn nhịp nhất châu Âu.
Sự thay đổi này là do Chính phủ Italy kiên quyết đóng cửa nhiều cảng biển để ngăn chặn dòng người di cư vào nước này, tình trạng vốn kéo dài nhiều năm qua, đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư.
Cũng theo ghi nhận của Frontex, trong năm ngoái, số người di cư tới Hy Lạp và Cyprus thông qua tuyến đường phía Đông Địa trung Hải đã tăng lên 56.000 người, chủ yếu là những người dân các đang có xung đột như Afghanistan, Syria hay Iraq.
Vấn đề người di cư hiện vẫn là một thách thức lớn đối với EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và ngày càng có nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư. Đây chính là bài toán khó mà trong một thời gian dài các nước thành viên EU luôn bất đồng và chưa tìm được lời giải.
Hiện số người di cư vào châu Âu tuy có giảm, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục "đau đầu" với các thách thức về an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết vấn đề xã hội nảy sinh với những người di cư.