Trên Twitter, Thủ tướng Sanchez viết: "Tin xấu nhất đã được xác nhận. Xin chia buồn cùng những người thân và bạn bè của David Beriain và Roberto Fraile, những người đã bị sát hại ở Burkina Faso". Ông đồng thời ca ngợi sự can đảm của các nhà báo khi sẵn sàng tác nghiệp tại những điểm nóng xung đột để truyền tải những tin tức quan trọng.
Trước đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cũng xác nhận hai nhà báo của nước này tên là David Beriain và Roberto Fraile đã bị phục kích và sát hại khi đang có mặt tại Burkina Faso để thực hiện một bộ phim tài liệu về nạn săn bắn trộm động vật hoang dã. Theo bà, hai nhà báo trên là thành viên trong một nhóm công tác khoảng 40 người, bao gồm các nhà báo, binh sĩ và nhân viên kiểm lâm, đang tiến hành tuần tra chống săn bắn trộm trong khu bảo tồn thiên nhiên Pama ở Đông Nam Burkina Faso. Một nhóm đối tượng có vũ trang đã tấn công đội tuần tra, bắn bị thương nhiều người và bắt cóc hai nhà báo Tây Ban Nha cùng một nhà báo người Ireland.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Laya cho biết: "Hiện tại, sau khi liên hệ với chính quyền Burkina Faso và với gia đình các nạn nhân, chúng tôi có thể xác nhận thi thể của hai phóng viên Tây Ban Nha". Bà đồng thời cảnh báo rằng địa điểm nơi xảy ra vụ đột kích trên "là một khu vực nguy hiểm, vì đây là nơi hoạt động của các nhóm khủng bố, săn bắn trộm và chiến binh thánh chiến".
Theo giới chức Burkina Faso, công dân Ireland cũng đã bị nhóm bắt cóc sát hại. Bộ Ngoại giao Ireland tối 26/4 cho biết họ đã nhận được thông tin về vụ việc này, đồng thời đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để giải quyết vấn đề này.
Tương tự phần lớn khu vực Sahel của Tây Phi, Burkina Faso đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh ngày càng sâu sắc khi các nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và dân thường, bất chấp sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội Pháp và Liên hợp quốc.
Bạo lực ngày càng nghiêm trọng đã dẫn đến một trong những cuộc khủng hoảng người tị nạn có quy mô tăng nhanh nhất thế giới. Việc người dân rời bỏ nhà cửa, chạy trốn bạo lực không chỉ gây ra những vấn đề lớn về mặt nhân đạo mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm cực đoan mở rộng hoạt động.