Năm ngoái, các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý duy trì 300.000 quân sẵn sàng triển khai để ứng phó với một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận đã phơi bày những thủ tục hành chính rườm rà và những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, qua đó ngăn cản hoạt động chuyển giao nhanh chóng nhân sự và vật tư trên khắp “lục địa già”.
Do đó, ban lãnh đạo quân sự của liên minh do Mỹ đứng đầu này đang nỗ lực để đảm bảo rằng việc di chuyển của binh lính sẽ không bị cản trở do các cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga nhằm vào các cảng mà quân đội Mỹ sử dụng để dỡ hàng.
Trả lời phỏng vấn tờ Telegraph ngày 4/6, Trung tướng Alexander Sollfrank, người đứng đầu bộ chỉ huy hậu cần của Bộ Chỉ huy Chi viện và Kích hoạt (JSEC, cơ quan thuộc NATO được thiết kế nhằm điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng các lực lượng xuyên biên giới quốc gia ở Châu Âu) cho hay: "Rõ ràng là các căn cứ hậu cần khổng lồ, như chúng ta biết từ thực tế ở Afghanistan và Iraq, không còn khả thi nữa vì chúng sẽ bị tấn công và phá hủy ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột".
Theo Telegraph, tuyến đường chính cho quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga sẽ là qua cảng Rotterdam của Hà Lan để đến Đức và Ba Lan. Các hành lang thay thế từ Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lần lượt chạy qua Slovenia và Croatia đến Hungary, và qua Bulgaria và Romania.
Ngoài ra còn có kế hoạch liên quan đến sự hỗ trợ hậu cần của Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Mỹ và các đồng minh cáo buộc Moskva có thể tấn công NATO, và việc gửi vũ khí đến Ukraine sẽ giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn kết cục đó. Nga phủ nhận bất kỳ ý định nào như vậy và cáo buộc các chính phủ phương Tây tạo ra các mối đe dọa sai sự thật để lừa dối người dân của họ về cuộc xung đột Ukraine.
Các quan chức Nga đã mô tả các hành động thù địch với Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ khởi xướng nhằm phá hoại sự phát triển của Nga, trong đó binh lính Ukraine đóng vai trò là "bia đỡ đạn" trong khi vũ khí, tình báo, đào tạo và lập kế hoạch được phương Tây hỗ trợ.
Theo giới chức Nga, một cuộc xung đột trực tiếp với NATO sẽ là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga, xét đến ưu thế của khối này về lực lượng thông thường.
Do đó, Moskva cảnh báo bất kỳ cuộc đụng độ nào đều sẽ buộc họ phải triển khai vũ khí hạt nhân theo học thuyết hạt nhân của mình.