Theo hãng thông tấn Kyodo, TEPCO hiện đặt mục tiêu mới bắt đầu quá trình nói trên vào tháng 10/2024.
Ngay sau khi thảm họa kép động đất sóng thần hồi năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản, hệ thống điện cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã bị cắt đứt, trong khi nhiều máy phát điện dự phòng cũng bị hư hỏng nặng. Điều này khiến cho hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân ở các lò phản ứng bị ngừng hoạt động, dẫn tới việc lõi của các lò phản ứng số 1, 2 và 3 bị tan chảy.
Việc thu hồi hỗn hợp mảnh vỡ chứa nhiên liệu hạt nhân nóng chảy có độ phóng xạ cao tại nhà máy này được đánh giá là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong quá trình xử lý hậu quả tại Fukushima mà cuối cùng là ngừng hoạt động và tháo dỡ nhà máy hạt nhân này.
Sau những khó khăn về kỹ thuật, TEPCO sẽ áp dụng phương pháp mới để thu hồi, thay vì sử dụng cánh tay robot. TEPCO đang chờ Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản phê duyệt phương pháp mới.
Ước tính, TEPCO cần loại bỏ khoảng 880 tấn mảnh vỡ nhiên liệu nóng chảy có độ phóng xạ cao từ lò phản ứng số 1, 2 và 3. Do đây là quá trình khó khăn nên tập đoàn có kế hoạch triển khai dần từng bước.
Ban đầu, TEPCO có kế hoạch bắt đầu triển khai thu hồi mảnh vỡ từ lò phản ứng số 2 vào năm 2021 song đã phải hoãn lại đến năm 2022 do đại dịch COVID-19 và cần cải thiện cánh tay robot. Sau đó, tập đoàn thông báo sẽ tiến hành quá trình này trong nửa sau tài khóa 2023. Với thông báo mới nhất, hiện chưa rõ việc trì hoãn nói trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lộ trình loại bỏ các lò phản ứng hạt nhân vào khoảng năm 2041 đến năm 2051.