Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Tết cổ truyền năm 2024 của người dân Campuchia diễn ra trong 4 ngày, từ 13 - 16/4, nhiều hơn một ngày so với thông lệ hằng năm. Trong những ngày Tết, một bộ phận lớn cư dân Phnom Penh rời thủ đô về quê đón Tết, trong khi hàng trăm nghìn người lao động Campuchia ở các nước láng giềng cũng tất bật về nước, đoàn viên với gia đình trong dịp lễ hội lớn nhất trong năm ở quốc gia Đông Nam Á này.
Như thông lệ hằng năm, trong những ngày Tết cổ truyền 2024, người dân Campuchia sắm sửa, mang theo lễ vật lên chùa cúng dường chư tăng, hồi hướng phước báo công đức đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng; thực hiện các nghi thức truyền thống khác như sớt bát, đắp núi cát, tắm tượng Phật, tắm ông bà, nghe chư tăng giảng pháp...
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tỳ kheo Sim Yutt, Trụ trì chùa Chrouy Ampil (phường Kbal Koh, quận Chbar Ompov, thủ đô Phnom Penh) cho biết trong dịp Tết Choul Chnam Thmey, bà con Phật tử đến chùa chủ yếu ở độ tuổi trung niên, không đông như lễ Pchum Ben. Do dịp Tết năm nay, thanh niên học sinh được nghỉ lễ 4 ngày, về quê sum họp cùng ông bà và thân tộc. Các bạn trẻ thường tham gia các hoạt động vui chơi giải trí tại địa phương hoặc đi lễ chùa tại phum, sóc ở quê nhà.
Theo sư trụ trì chùa Chrouy Ampil ở ngoại thành Phnom Penh, trong dịp Tết cổ truyền, bên cạnh các nghi lễ truyền thống diễn ra trong khuôn viên nhà chùa như đắp núi cát, sớt bát, tắm tượng Phật…, tại các làng quê và từng gia đình, người dân Campuchia còn tổ chức tắm cho cha mẹ, ông bà, vui chơi các trò chơi dân gian truyền thống của từng địa phương như ném Chhuong (ném còn), giấu khăn (bỏ khăn), kéo co, nhảy múa những vũ điệu dân gian truyền thống... Ngoài ra, một số nhà chùa cũng tổ chức các chương trình tập trung đông người để vui đón Tết, chơi trò chơi dân gian...
Theo ghi nhận, trong dịp Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey 2024, tuy Campuchia không tổ chức sự kiện “Angkor Songkran” quy mô quốc gia ở tỉnh Siem Reap như những năm trước nhưng hoạt động này vẫn được duy trì với nhiều chương trình vui chơi giải trí sôi động, náo nhiệt tại thủ đô Phnom Penh và khắp các tỉnh, thành trên đất nước Chùa Tháp.
Tại thủ đô Phnom Penh, sự kiện Songkran và các hoạt động vui chơi giải trí sôi động được tổ chức tại 4 khu vực, gồm thắng cảnh du lịch tâm linh nổi tiếng Wat Phnom, gọi là “Wat Phnom Songkran”, cùng 3 địa điểm khác ở trung tâm thủ đô. Chương trình Songkran vẫn là sự kiện điểm nhấn trong những ngày Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey 2024 , thu hút đông đảo người dân, nhất là giới trẻ Campuchia tham gia, cũng như du khách nước ngoài.
Trong hoạt động tập trung đông người này, lực lượng chức năng các địa phương bố trí phương tiện chuyên dụng phun nước vào đám đông trẩy hội, mang lại bầu không khí vui tươi và sôi động như thường thấy, cũng như góp phần giảm không khí oi bức giữa cao điểm khô của những ngày tháng 4 nóng bức trên đất nước Chùa Tháp, có thời điểm nhiệt độ lên đến gần 40 độ C.
Nhân dịp Tết cổ truyền năm 2024, Quốc vương Norodom Sihamoni đã gửi thông điệp chúc mừng đến người dân Campuchia, nêu bật lễ hội ý nghĩa to lớn trong việc ươm mầm tinh thần đoàn kết và phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao văn hóa Khmer. Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet cũng nhấn mạnh những thành tựu của đất nước nhân sự kiện Tết cổ truyền đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VII.
Trong thông điệp gửi đến người dân Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền 2024, Thủ tướng Hun Manet đã điểm lại những thành tựu của đất nước trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2023 và những tháng đầu năm nay. Ông cho biết, kinh tế Campuchia đạt mức tăng trưởng 5,6% trong năm 2023 và dự báo đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2024. Trong bối cảnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Campuchia đã tăng từ 1.785 USD trong năm 2022 lên mức 1.917 USD trong năm 2023 và dự kiến đạt 2.071 USD trong năm 2024.
Thủ tướng Hun Manet một lần nữa nhấn mạnh nội dung trọng tâm trong 6 chương trình chính sách ưu tiên của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII là tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là các gia đình nghèo, dễ bị tổn thương, hướng tới mục tiêu giúp người dân Campuchia có cuộc sống ngày càng khá giả hơn.
Bên cạnh đó, mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược Ngũ giác giai đoạn 1 của Chính phủ Hoàng gia đương nhiệm là tầm nhìn Campuchia đến năm 2050 trở thành quốc gia có thu nhập cao, nền kinh tế vững mạnh, người dân có đời sống khá giả, sinh sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp và nhận được sự ủng hộ, bảo trợ mọi mặt từ xã hội.
Lễ hội Choul Chnam Thmey còn gọi là Tết chịu tuổi, được xem là sự kiện lễ hội lớn nhất trong năm ở Vương quốc Campuchia, đất nước có có hơn 5.100 ngôi chùa với trên 90% trong tổng số khoảng 17 triệu dân là tín đồ Phật giáo.