Thách thức an ninh biển châu Á - Thái Bình Dương

Hiện nay, tại vùng biển châu Á - Thái Bình Dương đang tồn tại cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Thách thức an ninh truyền thống phức tạp nhất cần giải quyết là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển. Các thách thức an ninh phi truyền thống bao gồm: cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ô nhiễm môi trường và thảm họa thiên nhiên…


Cướp biển


Vùng biển Đông Nam Á là một trong 5 khu vực được coi là những điểm nóng về cướp biển hiện nay trên thế giới, nhất là khu vực eo biển Malacca. Eo biển Malacca nằm trên tuyến giao thông quan trọng, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ châu Âu, châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam Á, Đông Á. Mỗi năm có khoảng 70.000 tàu thuyền qua lại eo biển Malacca, bao gồm tàu chở dầu, tàu chở container, tàu đánh cá… chiếm hơn 1/3 khối lượng hàng hóa và 1/2 khối lượng dầu thô của toàn thế giới, trong đó có 90% nhu cầu dầu lửa của Nhật Bản. Một nửa số tàu chở nhiên liệu của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đi qua eo biển Malacca. Từ lâu, các tàu thuyền qua lại eo biển Malacca đã trở thành mục tiêu của các vụ cướp biển.


 

Bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Viết Tôn

 

Thống kê của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMB) cho thấy, các vụ cướp biển xảy ra ở eo biển Malacca và các vùng biển của Đông Nam Á chiếm trên 56% tổng số vụ trên toàn cầu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là thống kê các vụ cướp biển được báo cáo. Theo IMB, có ít nhất một nửa số tàu thuyền bị cướp biển tấn công đã không thông báo. Vì số lượng tàu thuyền hàng ngày qua lại eo biển rất đông, nên công tác quản lý và theo dõi gặp rất nhiều khó khăn trong khi thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Theo trang web về an ninh hàng hải châu Á của Singapore (MaritimeSecurity.Asia), từ đầu năm 2011 đến nay, số vụ cướp biển ở khu vực Đông Nam Á có xu hướng gia tăng.


Các vụ cướp biển ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương xảy ra ở cả ba hình thức là cướp trên vùng biển quốc tế, cướp khi tàu neo đậu ở cảng hoặc thả neo ở vùng biển quốc tế và bắt cóc tàu ở vùng biển quốc tế. Các vụ cướp biển thường có vũ trang; lực lượng cướp biển có thể được trang bị súng phóng lựu và tên lửa vác vai. Các vụ cướp biển đã gây thiệt hại lớn cho thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh các tổn thất trực tiếp về kinh tế, cướp biển còn gây tổn thất về người, tâm lý, uy tín và các tổn thất gián tiếp về kinh tế rất khó đánh giá.


Tội phạm xuyên quốc gia


Hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn lậu ma túy, buôn người, buôn bán vũ khí, di cư bất hợp pháp, tội phạm môi trường trên biển ở châu Á - Thái Bình Dương cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính chất phức tạp. Các loại tội phạm này đặc biệt nguy hiểm ở vùng biển Đông Nam Á và vùng biển giữa Australia và một số nước Đông Nam Á. Tại các vùng biển khu vực đã hình thành các đường dây đưa dân di cư bất hợp pháp từ khu vực Trung Á, Tây Á đến một số nước như Indonesia và Australia bằng đường biển.


Các tổ chức tội phạm này đã thay đổi các hình thức hoạt động và lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện vận tải hiện đại phục vụ cho các hoạt động của chúng. Chúng tổ chức và xây dựng các mạng lưới và mở rộng hoạt động ra nhiều quốc gia. Các tội phạm xuyên quốc gia ở một nước có thể câu kết với các tổ chức tội phạm ở nước ngoài. Chúng thường được tổ chức chặt chẽ và rất khó phát hiện. Hậu quả do chúng gây ra lớn hơn trước đây rất nhiều và thường liên quan đến nhiều nước.


Khủng bố


Theo thống kê, trong 20 năm qua đã xảy ra hơn 100 vụ tấn công các tàu vận tải biển ở nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có vùng biển Đông Nam Á. Rất nhiều tàu thuyền đã bị tấn công hoặc bị bắt giữ trên biển, một số công ty vận tải đường biển và dầu khí đã phải trả một số tiền rất lớn cho các nhóm và tổ chức khủng bố để bảo vệ lợi ích thương mại của họ.


Vụ đánh bom khủng bố trên biển nghiêm trọng nhất xảy ra ở vịnh Manila, Philippines năm 2004 đã nhấn chìm chiếc phà chở khách, làm 116 người chết... Nếu mục tiêu của cướp biển là hàng hóa thương mại và tàu vận tải thì mục tiêu của lực lượng khủng bố lại là tài sản và các phương tiện quân sự mang ý nghĩa chiến lược như tàu hải quân, cảng biển và cơ sở công nghiệp trên biển hoặc mục tiêu dân thường nhằm gây hoang mang và làm rối loạn xã hội...


Tại các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, khủng bố nổi lên như một mối đe dọa đa dạng và phức tạp. Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ hoạt động của lực lượng khủng bố trên biển khu vực ngày càng gia tăng là do một số nguyên nhân chủ yếu là: Tầm quan trọng ngày càng tăng của các tuyến đường hàng hải và kinh tế biển đối với các nước khu vực. Biển châu Á - Thái Bình Dương có nhiều eo biển quan trọng, do đó bất kỳ một cuộc tiến công khủng bố nào xảy ra cũng gây tổn thất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của các nước có liên quan. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều tổ chức khủng bố lớn trên thế giới, trong đó có Tổ chức Abu Sayaf và Phong trào giải phóng Hồi giáo Morro ở Philippines. Ngoài ra, các tổ chức vũ trang ly khai ở miền Nam Thái Lan, miền Nam Philippines, các tỉnh Achê và Tây Ghi nê của Indonesia... cũng có thể tiến hành các hoạt động khủng bố trên biển để đạt các mục tiêu chính trị. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ở một số nước châu Á - Thái Bình Dương cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các hoạt động khủng bố. Tình trạng đói nghèo; khả năng quản lý biển của các quốc gia ven biển còn yếu; địa hình vùng biển phức tạp; các bất công xã hội như tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân biệt đối xử... là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến hoạt động khủng bố ở châu Á - Thái Bình Dương...


Ô nhiễm môi trường và thảm họa thiên nhiên


Trong những năm gần đây, do những áp lực phát triển kinh tế, diễn biến môi trường biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là môi trường bờ biển của một số vùng kinh tế trọng điểm đang có những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng. Hoạt động dân cư ven biển phát sinh nhiều loại chất thải ra môi trường và thải đổ vào biển qua hệ thống sông ngòi kênh rạch. Môi trường biển khu vực đang biến đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu vực biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô lan rộng,…


Khả năng gây ô nhiễm từ các hoạt động hàng hải cũng rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải.


Đặc biệt, sự cố tràn dầu là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển, nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô.


Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều thảm họa thiên nhiên đến từ biển như nước biển dâng, sóng thần, bão lụt... Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) và Cơ quan Liên hợp quốc về chiến lược giảm nhẹ nguy cơ thiên tai (UNISDR), chỉ tính riêng năm 2011, thiệt hại về kinh tế do thảm họa thiên nhiên gây ra ở châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 294 tỉ USD chiếm 80% tổng số 366 tỉ USD thiệt hại của toàn thế giới và bằng 80% tổng thiệt hại giai đoạn 2000-2009. Tại châu Á - Thái Bình Dương, hàng năm có khoảng 80% dân cư bị ảnh hưởng và hơn 3.000 người bị chết do thảm họa thiên nhiên. Thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra ở Inđônêxia khoảng 1,2% GDP, Việt Nam (1,8% GDP), Myanmar (1,9% GDP), Malaysia (1% GDP), Campuchia (1% GDP) và Lào (1,7% GDP)...


Đại tá, ThS Vũ Hồng Khanh
Viện Chiến lược Quốc phòng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN