Đại dịch COVID-19 đã dạy cho chúng ta những bài học đắt giá về cách xử lý tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng dường như khi phải đối mặt với dịch bệnh mới - đậu mùa khỉ - nước Mỹ vẫn mắc phải một số sai lầm tương tự 3 năm trước đây, khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan.
Là một trong những nước giàu có nhất thế giới, chi hơn 4 nghìn tỉ USD/năm cho chăm sóc sức khỏe, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, Mỹ chắc hẳn có khả năng đối phó tốt với loại virus mới bùng phát. Nhưng tính đến ngày 1/8, Mỹ đã ghi nhận trên 5.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, chiếm 25% ca bệnh trên toàn cầu, trở thành quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất thế giới.
Văn hóa “kỵ binh”
Có thể thấy rằng trong đại dịch COVID-19, dù sở hữu nguồn lực khổng lồ với nhiều công nghệ hiện đại, các quốc gia giàu có nhất lại là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có tỷ lệ tử vong cao nhất vì dịch bệnh.
Ngoài những yếu tố - bao gồm thông tin sai lệch, công chúng thiếu niềm tin vào các biện pháp phòng dịch, “văn hóa kỵ binh” của người Mỹ cũng là yếu tố tác động. “Văn hóa kỵ binh” có thể được hiểu là động thái bị động chờ kỵ binh đến giải cứu, thay vì chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhỏ hơn - chẳng hạn thiết lập hệ thống dữ liệu hiện đại, đáng tin cậy, tìm chuỗi cung ứng và hành động sớm để ngăn chặn dịch bùng phát ngay từ đầu.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet gần một nửa số bệnh mãn tính ở Mỹ đều có thể phòng ngừa được nhờ việc thay đổi lối sống.
Thảm họa dữ liệu
Vào đầu tháng 7, Viện Đo lường Sức khỏe, trung tâm nghiên cứu tại Đại học Washington, đã đưa ra một mô hình cho thấy số ca COVID-19 ở Mỹ trên thực tế cao hơn gấp 7 lần so với các trường hợp được báo cáo. Song theo giới chuyên gia, dường như các nền tảng công nghệ Snapchat và Twitter cung cấp nhiều phân tích dữ liệu hơn là các cơ quan của hệ thống liên bang và tiểu bang, vốn là nền tảng của hệ thống sức khỏe cộng đồng quốc gia.
Tiến sĩ Tom Frieden - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Resolve to Save Lives, cựu Giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ - cho biết: “Đầu tiên, Mỹ thiếu quyền truy cập dữ liệu cần thiết để biết chính xác nơi bùng phát dịch bệnh. Điều này là do những hạn chế về thu thập dữ liệu”. Ông cho rằng đất nước cần phải cập nhật các hệ thống tương tự và kết nối chúng với nhau.
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cũng đã rất ngạc nhiên khi giới chức CDC có rất ít quyền truy cập dữ liệu về căn bệnh này. Bà đề cập đến các dữ liệu cơ bản, như vaccine đã được phân phối ở những đâu, ai đã được tiêm, vaccine có hoạt động hay không và thậm chí cả dữ liệu về các ca đậu mùa khỉ như ai bị nhiễm bệnh, tuổi tác và chủng tộc/dân tộc của người bệnh.
Claire Hannan, Gám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà quản lý tiêm chủng, giải thích rằng nhiều quốc gia không chia sẻ dữ liệu liều lượng vaccine được quản lý với chính phủ . Dịch COVID-19 là lần đầu Mỹ đạt thỏa thuận sử dụng dữ liệu đó. Một phần lý do là vì các bang có luật bảo vệ thông tin cá nhân.
Xét nghiệm, vaccine và điều trị
Mỹ cũng đang gặp thách thức trong các vấn đề xét nghiệm, vaccine, phương pháp điều trị đậu mùa khỉ tương tự như đại dịch COVID-19.
Không giống với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua vết loét hoặc tổn thương trên da khi tiếp xúc gần cá nhân và các đồ vật dùng chung như khăn tắm và khăn trải giường, cũng như dịch tiết đường hô hấp khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài.
Làn sóng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ cũng khác hoàn toàn với COVID-19. Trong khi COVID-19 bùng phát bởi bởi một loại virus mới, đậu mùa khỉ đã có sẵn biện pháp phòng ngừa cơ bản, dựa trên các biện pháp phòng ngừa loại virus họ hàng của căn bệnh này - bệnh đậu mùa. Điều đó có nghĩa là nhân viên y tế không phải xây dựng các biện pháp phòng dịch từ đầu mà có thể đưa chúng vào hoạt động ngay lập tức.
Vào thời điểm bắt đầu bùng phát đậu mùa khỉ, khả năng xét nghiệm ở Mỹ chỉ giới hạn ở khoảng 6.000 lượt/tuần. Sau đó, CDC đã hợp tác với 5 phòng thí nghiệm để mở rộng năng lực và sẽ sớm có thể xử lý tới 80.000 lượt xét nghiệm/tuần. Nhưng năng lực đó vẫn là chưa đủ. Giới chuyên gia cho rằng tỉ lệ xét nghiệm thấp do một số bác sĩ còn sự thiếu nhận thức về virus và nỗi sợ bị kỳ thị giữa các bệnh nhân.
Vì vậy, cũng như với COVID-19, phạm vi bùng phát đậu mùa khỉ có lẽ chưa được đánh giá đầy đủ. Theo dữ liệu của CDC, các ca mắc trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần con số báo cáo.
Một công cụ rất hữu ích khác là xét nghiệm nước thải. Với COVID-19, giới chức có thể xác định rõ phạm vi của các đợt bùng phát và nơi nó sẽ xuất hiện tiếp theo thông qua phương pháp này. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi bùng phát, Mỹ vẫn chưa thực hiện rộng rãi phương pháp này đối với bệnh đậu mùa ở khỉ.
Đối với đại dịch COVID-19, Mỹ đã chi tới 20 tỉ USD để phát triển, thử nghiệm và phân phối vaccine. Còn đối với bệnh đậu mùa khỉ , quốc gia này đã phê duyệt Jynneos, một loại vaccine đặc biệt 2 liều để đối phó với căn bệnh này. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế và chiến lược tiêm chủng ban đầu của Mỹ chỉ tập trung vào các trường hợp mắc bệnh đã biết và những người tiếp xúc gần với họ
Nhưng khi virus bắt đầu lây lan mạnh, Mỹ đã thay đổi chiến lược. Số người đủ điều kiện tiêm vaccine đã tăng lên khoảng 1,5 triệu người. Tại thời điểm này, chỉ có 336.710 liều được chuyển đến các tiểu bang. Tình trạng khan hiếm vaccine đã tạo ra những điểm nóng dịch bệnh, như thành phố New York, nơi có số ca mắc bệnh cao nhất đất nước nước.
Ngoài ra, trong khi giới chuyên gia khuyến nghị tiêm vaccine đậu mùa khỉ trong vòng 14 ngày kể từ khi phơi nhiễm (tốt nhất là trong vòng 4 ngày) để ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, vaccine chỉ đang được sử dụng như một phương pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, không phải như một biện pháp phòng bệnh.
Cuối cùng là phương pháp điều trị. CDC đã đưa ra phương pháp điều trị bệnh đậu mùa kháng virus Tecovirimat (TPOXX) có sẵn cho những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh nặng theo cơ chế điều chỉnh thay thế. Mỹ hiện đang dự trữ 1,7 triệu liều TPOXX. Nhưng một lần nữa, việc phân phát thuốc cho bệnh nhân đang vô cùng chậm trễ.
Trong bối cảnh thế giới không ngừng phát triển, những mầm bệnh mới đã bắt đầu xuất hiện và dễ dàng lây lan hơn. Sau ba năm qua, chúng ta đã nhận được những bài học đắt giá và đang ở giữa một cuộc thử nghiệm quan trọng đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ sử dụng tất cả những nguồn lực đáng kể đó để đối phó với dịch bệnh, hay sẽ chờ kỵ binh đến giải cứu một lần nữa?