Theo dữ liệu từ Kpler, từ tháng 1 đến hết tháng 8 vừa qua, "Lục địa già" là khu vực duy nhất trên thế giới tăng nhập khẩu than so với cùng kỳ năm ngoái, tạo ra 35,5% tương đương 15 triệu tấn nhiên liệu sản xuất điện. Kpler cho biết tính tới tháng 8, đã có 57,3 triệu tấn than nhiệt được vận chuyển vào châu Âu, chiếm 9,5% tổng lượng nhập khẩu than nhiệt toàn cầu trong cùng thời gian.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2 năm nay làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt tự nhiên và nhiên liệu từ khu vực này, các công ty châu Âu đã phải gấp rút tiến hành cuộc cải tổ khẩn cấp trong việc nhập khẩu năng lượng. Mặc dù vậy, việc tăng mua năng lượng lại đảo ngược nỗ lực cắt giảm nhập khẩu than của châu Âu, đồng thời đe dọa những nỗ lực đã được thực hiện trong thập niên qua nhằm đưa châu lục này trở thành khu vực đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Kể từ năm 2010, nhiều nhà máy than đã ngừng hoạt động trên khắp châu Âu và các nơi khác trong bối cảnh dư luận ngày càng phản đối mạnh mẽ việc sử dụng nhiên liệu bẩn, gây hại cho môi trường và kêu gọi sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp hơn. Trong cùng thời kỳ, châu Âu đã đẩy mạnh đầu tư vào việc lắp đặt các công trình năng lượng xanh, đồng thời tăng khoảng 15 điểm % tỷ trọng điện năng được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo lên gần % - chỉ đứng sau Mỹ Latinh. Khu vực này cũng đã đặt ra một số mục tiêu táo bạo nhất thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có mục tiêu đưa năng lượng từ các nguồn tái tạo tăng lên chiếm 32% tổng mức tiêu thụ năng lượng - bao gồm giao thông, hộ gia đình và công nghiệp, vào năm 2030.