Thách thức phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu

Trong khi các công ty dược phẩm dự kiến sản xuất 16 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm tới, song những rào cản về mặt sản xuất, hệ thống chăm sóc sức khỏe và quyền sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia, đều có thể ảnh hưởng đến việc phân phối vaccine một cách công bằng.

Chú thích ảnh
Nhiều công ty và nhà khoa học đang chạy đua để phát triển vaccine COVID-19 nhưng giai đoạn sản xuất và phân phối sẽ gặp phải nhiều trục trặc. Ảnh: AFP

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các “ứng cử viên” vaccine COVID-19 đang gấp rút bước vào các đợt thử nghiệm giai đoạn cuối, nhanh hơn bất kỳ các thử nghiệm nào trong lịch sử. Một tính toán gần đây dự đoán tổng số liều vaccine có thể được đưa vào sản xuất là khoảng 16 tỉ liều vào năm tới.

Tuy nhiên, những trục trặc và sự chậm trễ vốn là những đặc trưng trong ngành công nghiệp vaccine. Dự báo những thách thức này có thể khiến lượng vaccine bị giảm hơn một nửa, theo một ước tính khác được thực hiện vào tháng trước. 

Loại vaccine nào cuối cùng sẽ được phê chuẩn và đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất trên quy mô lớn, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc ai sẽ được tiêm chủng và khi nào được tiêm chủng. Trong khi đó, một lượng lớn nguồn cung vaccine đã được các quốc gia giàu có đặt hàng trước và một phần ít hơn dành cho các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Điều này cho thấy kế hoạch toàn cầu để phân phối liều lượng vaccine một cách công bằng vẫn đang còn là thách thức.

Một số quốc gia cho biết các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ cản trở họ sử dụng vaccine của các nhà sản xuất của chính mình. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác không có cơ sở hạ tầng để phân phối một số loại vaccine nhất định, ngay cả khi chúng được sản xuất vào năm sau.

Các chuyên gia y tế lo ngại tất cả những điều này có thể tạo ra sự chênh lệch lớn trong thời gian việc tiếp cận vaccine của người dân trên toàn cầu. 

“Đối với người dân Bangladesh, khẩu trang chính là loại vaccine hữu hiệu nhất trong ít nhất 24 tháng tới”, Giáo sư dược học Sayedur Rahman tại Đại học Y Bangabandhu Sheikh Mujib, đánh giá các thử nghiệm lâm sàng, nói. Ông cho rằng đất nước 160 triệu dân của ông và các quốc gia nghèo hơn có thể không được tiếp cận với những loại vaccine đầu tiên có sẵn. Điều này khiến các biện pháp kiểm dịch khác là lựa chọn duy nhất đối với họ. 

Chú thích ảnh
Các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ cản trở một số sử dụng vaccine của các nhà sản xuất của chính mình. Ảnh: Reuters

“Vaccine sẽ không có giá cả phải chăng hoặc không thực sự có sẵn ở nước ta trong 12 - 24 tháng tới. Thậm chí, ngay cả khi có sẵn, nó sẽ được cung cấp cho một số lượng rất hạn chế, tối đa là 20% dân số”, ông Rahman thừa nhận.

Trong số khoảng 16 tỉ liều vaccine mà các nhà phân phối cho biết họ có thể sản xuất trong năm 2021, khoảng 8,6 tỉ liều đã được đặt hàng trước theo hợp đồng, theo dữ liệu từ công ty phân tích Airfinity của Anh vào giữa tháng 10.

Khoảng 2,5 tỷ liều trong số này được cam kết dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn, với 500 triệu liều từ công ty Johnson & Johnson, 1 tỉ liều của Novavax Mỹ và 1 tỉ liều của AstraZeneca của Anh-Thụy Điển.

Theo dữ liệu của Airfinity, ít nhất 1,6 tỷ liều sẽ được các công ty Trung Quốc cam kết sản xuất và Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết quyền tiếp cận ưu tiên cho một số quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn. Nhưng tất cả các kế hoạch này có thể sẽ thất bại, theo phân tính của tổ chức tư vấn Âu – Mỹ. Theo đó, trong số 12 tỉ liều dự kiến sản xuất vào cuối năm sau, chỉ 1/3 đến một nửa có thể thực sự thành công.

Ông John Donnelly, Giám đốc công ty Vaccinology Consulting của Mỹ cho biết mặc dù dữ liệu khoa học được công bố bởi một số nhà sản xuất vaccine có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng có thể có sự chậm trễ trong việc gia tăng sản lượng các loại vaccine đã được phê chuẩn.

 “Chắc chắn sẽ có những trục trặc, bao gồm một số thách thức tiềm ẩn, như việc hết nguyên liệu hoặc sự chậm trễ của các nhà sản xuất do không tập trung vào sản xuất vaccine. Người chiến thắng và kẻ thua cuộc có thể được quyết định bởi sự mạnh mẽ của quy trình sản xuất chứ không phải bởi tính hiệu quả của sản phẩm”, ông Donnelly nói.

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cho một tình nguyện viên tại thành phố Seattle, Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN

Tính toán rủi ro đã thúc đẩy các quốc gia thực hiện các thỏa thuận nâng cao với nhiều nhà sản xuất vaccine. Nó cũng được xây dựng thành một chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để tiếp cận vaccine công bằng và kịp thời. Mặc dù vẫn gây quỹ, chương trình Covax đặt mục tiêu thực hiện 10 đến 15 hợp đồng với các nhà sản xuất vắc xin trong năm nay để đảm bảo có 2 tỷ liều để phân phối vào năm tới cho 184 quốc gia tham gia.

Khoảng một nửa trong số đó là các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn đủ điều kiện được tiếp cận vaccine. Thông thường, họ sẽ được tài trợ thông qua các khoản quyên góp, bên cạnh chi phí có thể là 1,60 - 2 USD / liều. 

Chương trình nhằm mục đích phân phối vaccine trong các đợt công bằng để đáp ứng mục tiêu ban đầu là 20% dân số các quốc gia, mục tiêu mà chương trình cho biết sẽ chấm dứt giai đoạn cấp bách của đại dịch. Đây là tỉ lệ dân số trung bình, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương nhất - nhân viên y tế và tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh nền - phát ngôn viên của Liên minh Vaccine (GAVI), cho biết.

“Một khi tất cả các nền kinh tế đã đạt được mức độ bao phủ 20% dân số, một sự ‘cân nhắc ’sẽ xem xét liệu một số quốc gia có được nhận vaccine sớm hơn các quốc gia khác hay không. Việc xem xét sẽ dựa trên các yếu tố nhu cầu sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây nhiễm”, phát ngôn viên của Gavi cho biết.

Trong khi đó, sự chênh lệch giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia, chẳng hạn như các quốc gia không có thiết bị làm lạnh thích hợp cần thiết để bảo quản vaccine, có thể khiến họ không thể nhận được nguồn cung cấp sớm.

Trong tháng này, Ấn Độ và Nam Phi đề xuất một biện pháp khác để đảm bảo các nước thu nhập thấp và trung bình có được nguồn cung cần thiết. Họ đề xuất Tổ chức Thương mại Thế giới từ bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ, để cung cấp cho các quốc gia quyền truy cập vào thông tin cho phép họ tự sản xuất vaccine COVID-19. Đề xuất đã giành được sự ủng hộ của WHO và hơn 400 tổ chức xã hội và y tế trên khắp thế giới.

Tuy nhiên,  Deborah Gleeson, một giảng viên cao cấp tại Trường Tâm lý và Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học La Trobe, Australia, lo ngại việc dựa vào các nhà cung cấp vaccine ở các nước giàu để sản xuất các sản phẩm cho toàn thế giới là không công bằng.

“Trừ khi các quốc gia hỗ trợ các cơ chế chia sẻ, chúng ta sẽ quay trở lại cách mọi thứ vẫn luôn hoạt động. Điều đó có nghĩa là các quốc gia giàu hơn được tiếp cận rộng rãi với thuốc và vaccine, trong khi các quốc gia nghèo hơn thì phải chờ đợi hoặc bị định giá. Điều đó không công bằng với chúng tôi", bà nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Gánh nặng tài chính cản trở kế hoạch phân phối vaccine lớn nhất thế giới
Gánh nặng tài chính cản trở kế hoạch phân phối vaccine lớn nhất thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 172 quốc gia đã nhất trí tham gia kế hoạch mang tên COVAX nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng và rộng rãi với vaccine ngừa COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN