Số liệu chính thức cho thấy đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ mang theo cái nóng trên 50 độ C lan rộng Ấn Độ đã khiến hàng trăm người tử vong hoặc nhập viện điều trị. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng con số thực tế thậm chí còn cao hơn rất nhiều và việc không thống kê đầy đủ có thể ảnh hưởng đến sự chuẩn bị cho những đợt nắng nóng tiếp theo.
Theo tờ Times of India, trong nhiều tháng qua, nắng nóng cực đoan đã lan rộng ra nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc Ấn Độ - nơi quan chức chính phủ ghi nhận ít nhất 110 ca tử vong do các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng số ca tử vong liên quan đến nắng nóng thực tế có thể lên tới hàng nghìn. Tuy nhiên, nắng nóng không thường xuyên được liệt kê là một nguyên nhân trong hồ sơ chứng tử, nên nhiều trường hợp không được đưa vào con số chính thức. Giới chuyên gia lo ngại điều này đồng nghĩa với việc vấn đề sóng nhiệt không được ưu tiên giải quyết và xử lý như vốn dĩ phải vậy và các quan chức thì đang thiếu các phương án chuẩn bị cho công dân trước thời tiết như thiêu như đốt.
Nghiên cứu của các chuyên gia y tế công cộng cho thấy có tới 1.116 người thiệt mạng mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2019 do nắng nóng.
Srinath Reddy, người sáng lập Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, chỉ ra việc báo cáo không đầy đủ, chậm trễ và chẩn đoán sai đã khiến số ca tử vong liên quan đến nắng nóng không được thống kê chính xác. Theo ông Reddy, bất chấp hướng dẫn quốc gia về ghi nhận các trường hợp tử vong, nhiều bác sĩ - đặc biệt là những bác sĩ ở các bệnh viện công quá tải - vẫn không tuân theo.
“Hầu hết các bác sĩ chỉ ghi lại nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ngay lập tức và những yếu tố môi trường tác động thì không được ghi nhận. Có những người tử vong do tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao như làm việc ngoài trời, nhưng cũng có những em bé, người già hoặc người có bệnh nền, có tình trạng sức khỏe yếu thì họ đôi khi tử vong một phần do nhiệt độ ngay cả khi trong nhà”, ông Reddy giải thích.
“Nhiệt độ cao là ‘giọt nước làm tràn ly’ đối với kiểu người thứ 2. Phần lớn các ca tử vong thuộc trường hợp 2 nhưng lúc ghi nhận nguyên nhân chết không liệt kê nguyên nhân nắng nóng”, Dileep Mavalankar – cựu Giám đốc Trung tâm Y tế Cộng đồng tại Gandhinagar – nhận định với hãng tin AP. Ông này chỉ ra con số 110 ca tử vong chỉ chiếm 0.3% con số thực và trong các ca tử vong do nhiệt độ thì có tới 30% nạn nhân bị sốc nhiệt.
Chuẩn bị cho những đợt nóng trong tương lai
Từng lãnh đạo Trung tâm Y tế Cộng đồng Ấn Độ ở Gandhinagar, ông Mavalankar là người có công phát triển kế hoạch hành động chống nóng đầu tiên của Ấn Độ cho thành phố Ahmedabad vào năm 2013, sau khi hơn 1.300 người tử vong tại thành phố trong một đợt nắng nóng trước đó 3 năm.
Kế hoạch chống nóng bao gồm các biện pháp như mở rộng khả năng tiếp cận các khu vực có bóng râm cho người lao động ngoài trời, chuyển đổi các tòa nhà công cộng tương đối mát mẻ thành nơi trú ẩn tạm thời cho những người không có nhà ở hoặc không có điện; đảm bảo bệnh viện có đủ vật tư y tế và nhân viên trong các đợt nắng nóng.
Trong những năm sau đó, Mavalankar và nhóm của ông đã nghiên cứu tác động của kế hoạch chống nóng bằng cách theo dõi số lượng ca tử vong do nắng nóng trong nhiều năm liên tiếp. Họ ước tính kế hoạch chống nóng đã giúp giảm tới 40% số ca tử vong.
Theo ông Mavalankar, với những dữ liệu có được, mặc dù không đầy đủ, cho phép thành phố sẵn sàng ứng phó trước tình trạng nắng nóng cực độ.
Tuy nhiên, kế hoạch ở Ahmedabad không thể lan rộng ra thành chiến dịch cấp quốc gia vì nhiều khu vực còn thiếu dữ liệu.
Chính phủ Ấn Độ thu thập dữ liệu về các trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ cao thông qua Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia của Bộ Y tế, sau đó chia sẻ với Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia. Cuối cùng, cơ quan này công bố dữ liệu dưới dạng tổng số liệu trên toàn quốc trong năm, nhưng số liệu chi tiết theo từng bang không được tiết lộ.
Cùng lúc, Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia cũng thu thập dữ liệu tử vong liên quan đến nhiệt độ như một phần trong việc thống kê số ca tử vong do tác nhân "tự nhiên”.
Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa hai số liệu. Vào năm 2020, Cục Hồ sơ Tội phạm ghi nhận 530 trường hợp tử vong do say nắng, nhưng cơ quan thảm họa chỉ báo cáo 4 trường hợp tử vong.
Ông Malavankar cho biết các vấn đề về thu thập dữ liệu cần mang tính hệ thống hơn và phải được giải quyết khẩn cấp. “Chúng tôi đã không thực hiện điều tra dân số toàn quốc kể từ năm 2011. Không có số liệu là điểm yếu của đất nước chúng tôi”, chuyên gia y tế kết luận.