Quyết định địa chính trị - sáp nhập Crimea (Crưm) vào Liên bang Nga của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm rung chuyển cả Mỹ và châu Âu, tạo ra sự bất ngờ lớn đối các nhà phân tích chiến lược toàn cầu.Tổng thống Putin đã chiếm ưu thế trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên lục địa châu Âu. Sự kiện Crimea chứng tỏ rằng Nga đã phục hồi sau khi Liên Xô sụp đổ và có thể đảm bảo lợi ích của mình.
Trong khi phương Tây ở trong tình trạng "bất lực" và các nước láng giềng
nhỏ xung quanh Nga bày tỏ sự lo lắng thì ở Trung Quốc, quan điểm về vấn
đề Crimea được chia làm 2 nhóm: Một, đánh giá cao và ca ngợi đòn phản
công của Putin chống lại phương Tây và tin lập trường cứng rắn của Putin
sẽ giúp giảm áp lực chiến lược của Trung Quốc từ phương Tây. Hai, xuất
hiện những lo lắng về việc chiến thắng của Nga ở Crimea sẽ thúc đẩy sự
“kiêu ngạo” và Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với Moskva
trong tương lai.
Tổng thống Putin và lãnh đạo Crimea bắt tay sau lễ ký kết sáp nhập bán đảo này vào Nga. Ảnh: RBTH |
Cả hai luồng dư luận trên đều hợp lý vì quan điểm thứ nhất là dựa vào thực tế địa chính trị của Trung Quốc và quan điểm thứ hai là về kinh nghiệm của nước này trong lịch sử.
Trung Quốc đã phải chịu sự kiểm soát của Đế chế Nga trong quá khứ. Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Moskva đã chân thành giúp đỡ Trung Quốc, nhưng một số người lo lắng rằng một nước Nga hồi sinh sẽ tạo ra cơn ác mộng địa chính trị mới cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn yếu như trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sức mạnh của Trung Quốc đang thay đổi. Ngoài ra, hai nước đã tiến hành hợp tác chiến lược toàn diện và đang tin tưởng lẫn nhau.
Trong thời gian cả trước mắt và lâu dài, áp lực chiến lược lớn nhất sẽ đến từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Áp lực này không chỉ là địa chính trị mà còn về ý thức hệ. Trung Quốc ủng hộ một thế giới đa cực và một nước Nga mạnh mẽ có thể phát triển mạnh là tốt hơn nhiều so với một thế giới đơn cực do Mỹ chi phối.
Có thể hai nước vẫn đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á. Nhưng sự khác biệt giữa hai nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát và cả hai đã bắt đầu tham gia hợp tác trong khối Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Quay trở lại vấn đề Ukraine và Đông Âu. Nga vốn đã có ảnh hưởng ở khu vực này trong lịch sử. Vì vậy, khôi phục lại sự ảnh hưởng của mình ở Đông Âu là một thách thức không thể tránh khỏi đối với Nga trong quá trình phục hồi.
Miễn là Bắc Kinh hợp tác và cùng xử lý các vấn đề toàn cầu một cách phù hợp với Moskva, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ trở thành một nền tảng vững chắc cho nền ngoại giao toàn cầu của họ. Trong những năm tới, Nga sẽ không đặt ra một mối đe dọa chiến lược nào với Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc sẽ góp phần vào sự hồi sinh của Nga.
CT (Theo Hoàn cầu Thời báo)