"Lực lượng áo đỏ” tuyên bố sẽ tẩy chay phán quyết của Tòa hiến pháp nếu tòa án này kết luận dự thảo sửa đổi hiến pháp có mục đích lật đổ chế độ quân chủ lập hiến và chiếm chính quyền phi pháp.
Ngày 11/7, ông Korkaew Pikulthong, Nghị sỹ đảng Vì nước Thái (Pue Thai) đồng thời là thủ lĩnh của Mặt trận dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD – hay còn gọi là lực lượng áo đỏ) tuyên bố, nếu Tòa Hiến pháp kết luận rằng dự thảo sửa đổi hiến pháp có mục đích lật đổ chế độ quân chủ lập hiến và chiếm chính quyền một cách phi pháp, UDD chắc chắn sẽ tẩy chay phán quyết đó.
Người biểu tình "Áo đỏ" tuần hành ở Băng Cốc ngày 19/3. Ảnh: THX/ TTXVN |
Ông khẳng định rằng những người đấu tranh cho dân chủ, bao gồm cả chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và những người ủng hộ sẽ không chấp nhận một phán quyết như vậy.
Ông Korkaew cảnh báo UDD sẽ kiện các thẩm phán tội phản quốc và tự bắt giữ các nghi can nếu cảnh sát không làm điều này và khi đó thậm chí có thể sẽ xảy ra xung đột lớn nếu có sự huy động lực lượng ủng hộ bảo vệ quan tòa, tạo điều kiện cho quân đội đảo chính và lực lượng "áo đỏ" phản kháng toàn diện.
Tuy nhiên, ông này đã yêu cầu những người ủng hộ không biểu tình trước trụ sở Tòa án vào ngày ra phán quyết, dự kiến vào 13/7, nhưng luôn sẵn sàng chờ hiệu lệnh từ ban lãnh đạo UDD.
Trong khi đó, Phó Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaeo cho biết 13 trung đội cảnh sát đã được triển khai để duy trì trật tự khu vực tòa án. Cục cảnh sát đặc biệt và Sở cảnh sát thủ đô Băngcốc được giao trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các thẩm phán. Lực lượng an ninh cũng đã lên kế hoạch ngăn chặn hành động quá khích và sơ tán các quan tòa trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, ngày 5/7, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Thái Lan bắt đầu cuộc thảo luận xem xét tính hợp pháp của dự luật sửa đổi hiến pháp gây nhiều tranh cãi ở nước này thời gian qua.
Các thẩm phán đã nghe các nhân chứng (cả ủng hộ lẫn phản đối dự luật này) để ra phán quyết xem liệu dự luật sửa đổi hiến pháp được chính phủ bảo trợ có vi hiến hay không, và liệu dự luật sửa đổi hiến pháp có phải là một âm mưu lật đổ quyền lực lãnh đạo mang tính dân chủ với Vua Thái Lan là người đứng đầu nhà nước hay không, hoặc liệu có âm mưu tiếm quyền bằng những phương thức vi hiến như từng bị các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ kiến nghị hay không.
Dự luật sửa đổi hiến pháp, do đảng Pheu Thai cầm quyền khởi xướng, được cho là để tìm cách minh oan cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ vào năm 2006.
Theo giới phân tích, trong trường hợp Tòa án Hiến pháp Thái Lan nhận thấy dự luật sửa đổi hiến pháp đe dọa nền quân chủ của Thái Lan, điều đó sẽ dẫn tới việc giải tán đảng Peu Thai cầm quyền, mặc dù đương kim Thủ tướng Yingluck không nhất thiết phải từ chức, và điều đó cũng có nguy cơ làm gia tăng tình trạng bất ổn ở xứ sở Chùa Vàng này.
TTXVN/ Tin Tức