Tại cố đô Ayutthaya, một điểm du lịch nổi tiếng với các tàn tích đền thờ cổ, hàng chục chú voi được vẽ hình trái tim trên mình và đeo vòng hoa, đã đi dọc qua các con phố và phun nước vào du khách xung quanh.
Theo quan niệm, té nước tượng trung cho hình ảnh của của thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tươi tốt cho người dân. Người Thái Lan tin rằng càng té nhiều nước càng có nhiều may mắn trong Năm mới, đồng thời sẽ gột rửa những điều chưa tốt trong năm cũ. Tại một số tỉnh của Thái Lan, người dân địa phương và du khách nước ngoài còn dùng súng phun nước, gáo, xô để té nước vào nhau mừng Năm mới.
Ngày chính thức của Tết Songkran là ngày 13/4 và kéo dài đến ngày 15/4, nhưng người dân Thái Lan thường chuẩn bị trước từ ngày 12/4. Theo phong tục truyền thống, vào sáng 13/4, người dân Thái Lan lên chùa dâng hương, lễ phật và thực hành nghi lễ tắm Phật đầu năm nhằm tỏ lòng thành kính và cầu may cho Năm mới.
Các phật tử xếp hàng lần lượt đến trước tượng, cúi lạy trước khi cầm gáo nhỏ múc nước thơm tưới lên tượng Phật. Bên cạnh đó, người dân còn có thể đến dâng hương tại chùa và mang hoa quả, món ăn chay để dâng lên các vị sư, đồng thời thả chim phóng sinh. Sau đó, người Thái Lan chúc thọ ông bà, cha mẹ và lấy nước thơm tưới lên người nhau. Các bức tượng, hình ảnh Phật tại nơi ở của người Thái Lan cũng được lau rửa sạch bằng nước thơm.
Ngày nay, những nghi thức truyền thông này đã không chỉ gói gọn trong người dân Thái Lan mà còn mang giới thiệu cho du khách nước ngoài. Họ có cơ hội trải nghiệm mọi bước trong nghi thức truyền thông của Tết cổ truyền Songkran.
Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch.