Thái Lan bắt đầu đăng ký tranh cử Thượng viện

Các ứng cử viên đã bắt đầu các thủ tục đăng ký tranh cử ngày 4/3 trong cuộc bầu cử Thượng viện Thái Lan dự kiến diễn ra ngày 30/3 tới. Thời gian ghi danh tranh cử sẽ kéo dài đến hết ngày 8/3.

Theo quy định của luật pháp Thái Lan, 77 trên tổng số 150 ghế Thượng viện do dân bầu và 73 ghế còn lại được chỉ định. Các thượng nghị sĩ khóa mới dự kiến sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn, trong đó có thể bao gồm các thủ tục luận tội Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của chính phủ.

Cử tri Thái Lan bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở làng Taa Ta Kho, phía nam thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP-TTXVN


Cùng ngày, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok có khả năng sẽ được gia hạn cho đến khi các cuộc biểu tình chống chính phủ chấm dứt hoàn toàn. Ông Surapong cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ lại xảy ra bạo lực dù tình hình biểu tình đã lắng xuống. Phát biểu với các phóng viên, ông Surapong nêu rõ: "Nếu ông Suthep tiếp tục tổ chức biểu tình và xảy ra thêm các vụ bạo lực như ném lựu đạn, nổ súng và các hành vi quá khích, luật tình trạng khẩn cấp sẽ được duy trì cho đến khi tình hình cải thiện".

Trước đó, ngày 2/3, người biểu tình chống chính phủ đã chấm dứt chiến dịch "chiếm đóng Bangkok", rút khỏi các điểm biểu tình ở thủ đô và tập trung tại điểm duy nhất là Công viên Lumpini ở trung tâm. Tuy nhiên, một số người vẫn tiếp tục bao vây các cơ quan chính phủ.

Dấu hiệu giảm căng thẳng tại Thái Lan xuất hiện ngày 27/2 vừa qua, khi thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đề xuất đối thoại với Thủ tướng Yingluck, với điều kiện cuộc đối thoại tay đôi phải được truyền hình trực tiếp. Bà Yingluck đã đồng ý với đề xuất này, song đưa ra điều kiện người biểu tình phải tôn trọng hiến pháp, sẵn sàng ngừng chiến dịch biểu tình và tạo điều kiện hoàn tất tiến trình bầu cử.

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế Thái Lan cho rằng dù chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" đã chấm dứt, đường phố đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng kinh tế đất nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 2% trong năm 2014 nếu một chính phủ không được thành lập vào quý II.

Theo báo dự báo của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn, tăng trưởng kinh tế Thái Lan có thể đạt từ 2 - 3%, nhưng yếu tố này sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình chính trị trong những tháng tới. Một kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức tồi tệ nhất là 0,5% năm 2014 cũng đã được đưa ra nếu tình hình chính trị hiện nay dẫn tới hỗn loạn và một chính quyền không thể hoạt động.

Hiện tại, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia chưa đưa ra phán quyết cuối cùng về các cáo buộc bà Yingluck liên quan đến những sai phạm trong triển khai chương trình trợ giá gạo. Trong khi đó, tòa án Thái Lan đã được đề nghị xem xét về tính hợp pháp của chính phủ tạm quyền khi thời hạn 30 ngày để thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 2/2 đã hết.

Cách tốt nhất để giải quyết cuộc xung đột chính trị hiện nay ở Thái Lan là đàm phán, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có cách thức tổ chức cụ thể nào được đề cập. Chính phủ cho rằng đàm phán phải dựa trên hiến pháp và pháp luật, những yêu cầu vượt ra khỏi hiến pháp sẽ không thể chấp nhận được. Phe biểu tình vẫn chưa có thêm kế hoạch đàm phán nào sau tuyên bố của ông Suthep đề xuất đối thoại trực tiếp.


TTXVN/Tin tức

Người Thái Lan ủng hộ đàm phán giải quyết khủng hoảng
Người Thái Lan ủng hộ đàm phán giải quyết khủng hoảng

Ngày 3/3, phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Suan Dusit cho biết, đa số người dân Thái Lan cho rằng cần tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban nhằm giải quyết bế tắc chính trị hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN