Hãng Uber Technologies Inc. (Mỹ) thời gian gần đây đã đối mặt với nhiều khó khăn về quy định tại các nước trên khắp thế giới. Khi Uber bắt đầu hoạt động tại Thái Lan vào năm 2014, cơ quan phụ trách giao thông đường bộ Thái Lan cho biết các lái xe của hãng không được đăng ký và bảo hiểm một cách hợp thức, còn hệ thống chi trả của Uber không tuân thủ đúng các quy định của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, các nhà chức trách từ đó đến nay không hành động mạnh để đình chỉ Uber hoặc các dịch vụ vận tải khác bởi những dịch vụ này ngày càng trở nên phổ biến đối với người Thái Lan và du khách nước ngoài tại đây.
Theo ông Sugree Carupom, một quan chức thuộc cơ quan phụ trách giao thông đường bộ Thái Lan, tính riêng trong tuần này, các cơ quan chức năng của Thái Lan đã xử phạt 23 lái xe Uber tại Bangkok. Con số này được xem là tương đối lớn so với con số 83 lái xe bị xử phạt trong cả quãng thời gian Uber bắt đầu hoạt động. Quan chức này cho biết thêm các lái xe Grab cũng bị phạt, tuy nhiên với số lượng ít hơn. Theo đó, các lái xe bị bắt giữ giờ đây sẽ bị đình chỉ giấy phép lên tới sáu tháng và sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 2.000 baht (57 USD).
Ông Nanthapong Cherdchu - một quan chức cấp cao khác của cơ quan phụ trách giao thông đường bộ Thái Lan – cho biết cơ quan này sẽ đề nghị Chính phủ Thái Lan áp dụng một biện pháp khẩn cấp để đóng cửa ứng dụng gọi xe này nếu cần thiết. Nguyên nhân là do ứng dụng này “gây rối” hệ thống phương tiện giao thông công cộng truyền thống cũng như khuyến khích người Thái Lan phá luật.
Về phần mình, Uber cho biết sẽ làm việc với chính quyền để làm sáng tỏ các lợi ích của dịch vụ vận tải này. Các dịch vụ đặt xe như Uber và GrabCar của Grab giờ đã trở nên phổ biến ở Thái Lan (nơi có dân số lên tới 67 triệu người) nhờ lợi thế về giá cả và xác suất khách hàng bị từ chối khi đặt xe thấp hơn taxi thông thường.