Ngày 30/3, Thái Lan đã tiến hành cuộc bầu cử Thượng viện. Ðây là cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với Thái Lan trong bối cảnh Hạ viện nước này chưa được thành lập. Thượng viện Thái Lan gồm 150 thành viên, trong đó có 77 thượng nghị sĩ được bầu đại diện cho 77 tỉnh, thành phố. 73 người còn lại được bổ nhiệm bởi một ủy ban gồm đại diện các cơ quan độc lập của Thái Lan.Các cử tri đã đến các điểm bỏ phiếu từ sáng sớm 30/3 và theo dự kiến, công tác kiểm phiếu sẽ hoàn thành trước 8 giờ tối cùng ngày (theo giờ địa phương). Theo thông báo của Ủy ban bầu cử (EC) của Thái Lan, có 457 ứng cử viên ra tranh cử trên toàn quốc, trong đó có 18 ứng cử viên chạy đua vào một ghế ở thủ đô Bangkok.
Ngày 29/3, hàng nghìn người đã biểu tình ở Bangkok, đòi cải cách trên toàn quốc trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới. Ảnh: THX/TTXVN |
Cuộc bầu cử diễn ra không gặp trở ngại gì mặc dù đêm trước cuộc bầu cử, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố Bangkok biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức và phong trào chống chính phủ tuyên bố không ngăn cản cuộc bầu cử Thượng viện ngày 30/3.
Trong khi đó, bà Yingluck được gọi đến Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) ngày 31/3 để giải trình về các cáo buộc của NACC liên quan đến chương trình thu mua gạo của chính phủ. Theo NACC, bà Yingluck đã lơ là trách nhiệm, phớt lờ những cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong quá trình triển khai chính sách trợ giá gạo, cũng như thiệt hại kinh tế mà chương trình này có thể gây ra. Nếu bị kết tội, bà sẽ phải đương đầu với cuộc bỏ phiếu luận tội của Thượng viện, theo đó, bà sẽ phải từ chức và không được phép tham gia chính trị trong vòng 5 năm.
Trước tình hình trên, những người ủng hộ bà Yingluck cảnh báo sẽ không tha thứ cho việc giải tán chính phủ được bầu của bà Yingluck. Những người "Áo đỏ" đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 5/4 để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ.
TTXVN/Tin tức