Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin bức tượng cao 4m Kru Kai Kaew mô tả một cơ thể nửa người nửa chim với móng vuốt dài, mắt đỏ và răng nanh vàng gần đây được dựng lên ở thủ đô Thái Lan. Bức tượng lần đầu tiên thu hút sự chú ý trên mạng xã hội khi nó gây tắc đường 2 tiếng đồng hồ vào ngày 9/8 trong quá trình được vận chuyển trên xe tải đến khách sạn The Bazaar Hotel Bangkok ở quận Ratchadaphisek, nơi nổi tiếng với du khách Trung Quốc và người nước ngoài.
Các nhà sử học vẫn hoài nghi về mối liên hệ lịch sử của Kru Kai Kaew khi có thông tin lan truyền cho rằng Kru Kai Kaew là cố vấn cho Vua Jayavarman VII của Đế chế Khmer. Các ghi chép lịch sử không hề đề cập đến Kru Kai Kaew trong biên niên sử của Đế chế Khmer.
Nhưng mọi người đã đổ xô đến bức tượng này để cầu xin phước lành, họ để lại những vật dụng bao gồm hoa và ví. Một số tín đồ đã đi xa đến mức mời chào thỏ, mèo con hoặc chó con trên mạng để dùng làm vật hiến tế cho bức tượng Kru Kai Kaew để đổi lại may mắn trong xổ số. Một tài khoản mạng xã hội thậm chí nói rằng cần thực hiện nghi thức hiến tế các con vật khi chúng còn sống, ngay trước bức tượng.
Theo Đạo luật Phúc lợi động vật và Ngăn ngừa ngược đãi của Thái Lan, bất kỳ người nào thực hiện hành vi được coi là tàn ác đối với động vật đều phải đối mặt với án tù 2 năm và khoản tiền phạt 40.000 baht (hơn 26 triệu đồng).
Bà Traisuree Taisaranakul, phó phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan ngày 17/8 nhấn mạnh: “Đối với bất kỳ xu hướng nào trên mạng xã hội, mọi người nên hiểu rằng lịch sử và nét đẹp của văn hóa Thái Lan là không xâm phạm các sinh mệnh khác. Nếu bạn tin vào điều gì đó, hãy tin với chánh niệm và đừng bị ám ảnh rồi trở thành con mồi cho những người có ý định xấu”.
Tuyên bố của chính phủ Thái Lan thừa nhận tầm quan trọng của du lịch dựa trên tín ngưỡng cũng như khẳng định lập trường chính thức của họ rằng các cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Bà Traisuree nhấn mạnh rằng mọi người nên tự tin khám phá đức tin của họ, nhưng vẫn cần cảnh giác trước khả năng bị lợi dụng.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, du lịch tôn giáo đã tạo ra 10,8 tỷ baht (304 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, tương đương khoảng 0,4% tổng doanh thu từ ngành công nghiệp không khói. Bà Traisuree Taisaranakul nói rằng tỷ lệ này sẽ tăng lên khi du lịch liên quan đến giáo lý và thần học tiếp tục thu hút.
Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, trong hơn 7 tháng đầu năm nay, nước này đã đón 15,89 triệu lượt du khách, thu về hơn 663 tỷ baht (khoảng 18,92 tỷ USD). Thái Lan đang trong lộ trình hướng tới mục tiêu thu hút 25 triệu khách du lịch nước ngoài trong cả năm nay, tăng hơn 2 lần so với mức 11,15 triệu của năm 2022.
Du lịch là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, đóng góp khoảng 12% trong tổng GDP của Đất nước Chùa vàng. Trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Thái Lan.