Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết việc bầu ra chính phủ mới sẽ diễn ra vào giữa năm 2017. Ảnh: Reuters |
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nội dung bản dự thảo hiến pháp mới gồm các điều mục về: nền quân chủ, quyền công dân, nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ của nhà nước, chính sách nhà nước, tổ chức chính phủ, vấn đề xung đột lợi ích, hệ thống tòa án, tòa án hiến pháp, các cơ quan hiến định và độc lập, các cơ quan công tố, chính quyền địa phương, điều chỉnh và sửa đổi hiến pháp.
Theo Chủ tịch CDC Meechai Ruchuphan, dự thảo hiến pháp mới được soạn thảo trên cơ sở hiến pháp tạm thời công bố năm 2014 và là một bản hiến pháp mang tính cải cách do chú trọng việc chống tham nhũng.
Dù nói rằng CDC "sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp để hoàn tất quá trình soạn thảo hiến pháp mới", ông Meechai cũng cho biết dự thảo hiến pháp vẫn giữ nguyên Điều 44 gây tranh cãi, trong đó khẳng định vai trò của Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) trong trường hợp khủng hoảng như là một công cụ để đảm bảo một giai đoạn chuyển giao trong hòa bình cho đến khi chính phủ mới được bầu.
Từ sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, đây là bản dự thảo hiến pháp thứ hai được CDC đưa ra. Bản đầu tiên được giới thiệu với dân chúng hồi tháng 9/2015, nhưng không được sự ủng hộ của quân đội và các chính trị gia thân chính phủ. Nếu dự thảo thứ hai được thông qua, đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan trong 84 năm qua.
Soạn thảo hiến pháp mới là giai đoạn đầu tiên của lịch trình "6-4-6-4" mà chính quyền quân sự đặt ra để tái lập nền dân chủ tại Thái Lan trong 20 tháng, trong đó mỗi con số tương ứng với số tháng diễn ra các giai đoạn soạn thảo hiến pháp; trưng cầu ý dân; soạn thảo các luật cơ bản và tổ chức tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, hôm 28/1, ông Ruchuphan cũng đã đề cập khả năng hoãn cuộc tổng tuyển cử đến tận cuối năm 2017 do các chuyên gia pháp lý sẽ cần thêm thời gian hoàn tất các đạo luật phái sinh liên quan đến vấn đề bầu cử và đảng chính trị. Ông nói rằng trong dự thảo hiến pháp mới có điều khoản quy định việc bầu hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ sẽ chỉ được tiến hành 5 tháng sau khi luật bầu cử có hiệu lực.
Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đối lập đã phản ứng mạnh mẽ trước quan điểm này. Các chính trị gia của Puea Thai cáo buộc CDC cố tình kéo dài thời gian nắm quyền của NCPO.