Trả lời báo giới, ông Sopon Mekton, quan chức y tế cấp cao của Thái Lan cho biết lực lượng nhân viên y tế tại tỉnh Samut Sakhon - tâm dịch bùng phát mới nhất ở nước này - sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, tiếp sau là người cao tuổi và người có bệnh nền.
Tuần trước, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của AstraZeneca, song chưa phê duyệt vacine của hãng dược phẩm Sinovac Biotech (Trung Quốc).
Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, nước này đã đặt mua hơn 200.000 liều vaccine của AstraZeneca và 2 triệu liều vaccine của Sinovac Biotech.
Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 13.7 ca mắc COVID-19, trong đó có 75 ca tử vong.
Cùng ngày, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã phê duyệt vaccine do Fosun-BioNTech phối hợp sản xuất, song chưa công bố kế hoạch tiêm chủng. Đây là loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đầu tiên được chấp thuận sử dụng tại vùng lãnh thổ này, trong khi Trung Quốc đại lục đã triển khai chương trình tiêm chủng từ tháng 7/2020.
Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đã hủy việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Ba Lan vào ngày 26/1 theo kế hoạch ban đầu. Giới chức Chính phủ Ba Lan cho biết nước này có thể nhận vaccine của Moderna sớm nhất là cuối tuần này. Theo cố vấn cấp cao của Thủ tướng Ba Lan, do tiến trình chậm trễ này, nước này sẽ điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng nếu cần thiết.
Hiện Ba Lan đã tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế phân phối của Liên minh châu Âu. Đến nay, quốc gia châu Âu này đã tiêm chủng cho 700.000 người, ưu tiên nhân viên y tế và người lớn tuổi. Ba Lan có kế hoạch tiêm chủng cho 3 triệu người trong quý III/2021.