Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tuần trước, Ủy ban Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan đã “bật đèn xanh” cho đề xuất cấp giấy phép đi lại có thông tin về tình trạng tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết những người được tiêm hai liều vaccine của Sinovac sẽ là những người đầu tiên nhận được chứng chỉ vaccine. Trong trường hợp họ muốn ra nước ngoài, họ có thể sử dụng giấy này để xin cấp hộ chiếu vaccine có thời hạn một năm hoặc thẻ vàng dưới dạng in hay dưới dạng kỹ thuật số với chi phí là 50 baht (1,62 USD). Tuy nhiên, liệu các nhà chức trách ở các nước khác có chấp nhận chứng chỉ này hay không lại là một vấn đề khác.
Tờ Bangkok Post dẫn lời Phó Giáo sư Wanrudee Isaranuwatchai - Giám đốc Chương trình Can thiệp y tế và đánh giá công nghệ (Hitap), nhận xét trong khi hộ chiếu là giấy thông hành chính thức, các giấy chứng nhận lại bao hàm sự rộng rãi hơn ở chỗ chúng có thể có hoặc không có hiệu lực pháp lý. Những giấy chứng nhận này phải được các cơ quan có liên quan xác nhận trước khi được chấp nhận để sắp xếp việc đi lại.
Hitap - một đơn vị nghiên cứu bán tự chủ thuộc Bộ Y tế Thái Lan, đã nhận được tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Thái Lan để thực hiện dự án “Thành lập sáng kiến nghiên cứu chính sách và hỗ trợ quyết định tiêm chủng COVID-19 ở châu Á (Coresia) và nghiên cứu khu vực về hộ chiếu miễn dịch”.
Đầu tháng này, Thủ tướng Prayut cho biết chưa có kết luận nào đảm bảo hệ thống “hộ chiếu vaccine” sẽ có hiệu lực khi được triển khai ở cấp độ quốc tế. Trong khi đó, cũng có những câu hỏi được nêu ra về tiêu chuẩn cho “hộ chiếu vaccine” do những khác biệt giữa các loại vaccine về hiệu lực và những thay đổi về hiệu quả đối với những biến thể mới.
Theo bà Wanrudee, người đồng thời là giảng viên tại Viện Chính sách, quản lý và đánh giá y tế của Đại học Toronto, đây là những câu hỏi dành cho toàn bộ cộng đồng. Tại bất kỳ thời điểm nào, Hitap chỉ có thể đưa ra quyết định dựa trên những thông tin mà đơn vị này có. Hitap đang làm việc với các quốc gia đối tác để đề xuất bộ dữ liệu tối thiểu mà hộ chiếu có như tên vaccine, số lượng liều tiêm và ngày tiêm. Tuy nhiên, đó có thể không phải là quyết định cuối cùng vì mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Sarin KC, một cộng sự dự án của Hitap, giải thích rằng hiệu quả của vaccine được chia thành ba phần - giảm tính nhạy cảm, mức độ nghiêm trọng và khả năng lây truyền. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các nhà nghiên cứu cần thêm thông tin, đặc biệt là về lây truyền. Theo ông Sarin, không thể nói rằng có “hộ chiếu vaccine” sẽ thực sự ngăn ai đó làm lây lan COVID-19. Hơn nữa, đó không phải là công việc của “hộ chiếu vaccine” mà là việc của vaccine.
Ông cũng lưu ý đến các vấn đề pháp lý và đạo đức vì “hộ chiếu vaccine” có thể gây ra sự phân biệt đối xử đối với những người hiện không nằm trong danh sách ưu tiên tiêm chủng, bao gồm một tỷ lệ lớn người lao động, người nhập cư và lao động phi chính thức. Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến cáo trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc những người mắc một số bệnh lý nhất định tiêm chủng cho đến khi thu thập thêm bằng chứng. Điều đó có thể dẫn đến sự phân tầng xã hội giữa những người được tiêm và chưa được tiêm.
Trong khi đó, Giám đốc nghiên cứu về phát triển bao trùm tại Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan Somchai Jitsuchon cho rằng những bất bình đẳng trong “hộ chiếu vaccine” không đáng lo ngại nếu chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng diễn ra theo đúng kế hoạch. Việc tiêm chủng sẽ xây dựng 70% khả năng miễn dịch cộng đồng ở những người trên 18 tuổi vào quý đầu tiên của năm tới. Trẻ em sẽ được tiêm chủng muộn hơn vì có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.
Chính phủ Thái Lan đã đặt mua ít nhất 63 triệu liều vaccine để cung cấp cho một nửa dân số vào cuối năm nay. Trong khi Sinovac bắt đầu vận chuyển 2 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, AstraZeneca sẽ cung cấp 26 triệu liều từ tháng 6 đến tháng 8 và 35 triệu liều từ tháng 9 đến tháng 12. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) nước này đang xem xét các đơn đăng ký của Johnson & Johnson và Bharat Biotech Technology. Cho đến ngày 12/3, đã có 44.409 người ở 13/77 tỉnh của Thái Lan đã được tiêm chủng và Bộ Y tế dự kiến tiêm 10 triệu liều mỗi tháng từ tháng 6 trở đi.
Ông Somchai, thành viên Ban Giám đốc Viện Vaccine quốc gia, cho biết việc nhập khẩu vaccine của khu vực tư nhân sẽ tăng tốc độ miễn dịch cộng đồng và giải phóng hạn ngạch do nhà nước tài trợ cho những con khác. “Hộ chiếu vaccine” sẽ giảm bớt các hạn chế và giúp nối lại các hoạt động bình thường - đặc biệt là du lịch quốc tế - vì nó sẽ miễn hoặc rút ngắn thời gian cách ly hoặc loại bỏ một số yêu cầu đối với du khách nước ngoài.
Chuyên gia này nhận xét Thái Lan sẽ được hưởng lợi rất nhiều vì đang đặt cược vào du lịch. Ví dụ, Phuket đã nêu ý tưởng nên loại bỏ việc cách ly, nhưng chính phủ có thể không đồng ý với yêu cầu đó vào lúc này. Nếu không có sự cố nào, “hộ chiếu vaccine” có thể sẽ được sử dụng.
Trong ngày 19/3, Thái Lan đã thông báo nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát COVID-19 đối với người nhập cảnh từ nước ngoài từ tháng tới, trong đó có tính đến người có giấy chứng nhận tiêm chủng. Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết kể từ ngày 1/4 du khách sẽ không phải xuất giấy chứng nhận đủ sức khỏe đi máy bay, trong khi các cơ sở cách ly vẫn sẽ hoạt động dưới nhiều hình thức từ ngày 1/4 đến 30/9.
Về vấn đề thời hạn cách ly, ông Taweesilp cho biết từ ngày 1/4 đến 30/9, những người nhập cảnh không có giấy chứng nhận tiêm chủng (VC) và giấy chứng nhận không nhiễm COVID-19 (CFC) sẽ phải cách ly trong 10 ngày và làm xét nghiệm hai lần. Du khách có VC và CFC sẽ được cách ly trong 7 ngày và được xét nghiệm 1 lần, trong khi những người có VC nhưng không có CFC sẽ được xét nghiệm 2 lần. Thời gian cách ly 14 ngày sẽ được duy trì đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.