Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan hy vọng nền kinh tế sẽ dần phục hồi sau khi quốc gia này chính thức mở cửa đón du khách nước ngoài kể từ tháng 11 này.
Năm ngoái, kinh tế Thái Lan giảm sút nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, theo đó GDP giảm tới 6,1%.
Tại cuộc họp báo ngày 15/11, Tổng Thư ký NESDC Danucha Pichayana nêu rõ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế.
Tháng 4 vừa qua, đại dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trở lại tại Thái Lan do sự lây lan của biến thể Delta, khiến nước này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với ngành dịch vụ và các nhà hàng.
Theo số liệu của NESDC, lĩnh vực dịch vụ ăn uống và khách sạn đã ghi nhận mức giảm 18,6% trong quý III do du lịch nội địa và chi tiêu hộ gia đình giảm. Ước tính các biện pháp khống chế dịch COVID-19 đã khiến số du khách giảm từ 40 triệu người trong năm 2019 xuống còn 73.000 người trong 8 tháng đầu năm 2021.
Tại thủ đô Bangkok - một điểm nóng trong đợt bùng phát biến thể Delta, chính quyền đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong những tuần gần đây, theo đó cho phép một số nhà hàng mở lại và phục vụ rượu.
Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, cùng với sự trở lại của những du khách nước ngoài đã tiêm phòng từ ngày 1/11, khiến các quan chức Thái Lan hy vọng mức tăng trưởng 1,2% trong năm nay.
Thái Lan kỳ vọng sẽ có khoảng 5 triệu du khách trở lại nước này vào năm tới, mang lại nguồn thu 440 tỷ baht (13,4 tỷ USD).
Theo Tổng Thư ký NESDC, dự báo kinh tế Thái Lan sẽ đạt mức tăng trưởng từ 3,5-4,5% vào năm 2022, khi nước này phục hồi trở lại sau đại dịch. Tuy nhiên, Trung Quốc, nguồn du khách nước ngoài lớn nhất của Thái Lan, vẫn đang hạn chế việc đi lại. Do đó, ngành du lịch, vốn đóng góp nhiều cho kinh tế quốc gia Đông Nam Á này, nhiều khả năng sẽ chưa phục hồi hoàn toàn trước năm 2024.
Tính đến ngày 15/11, Thái Lan đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm và hơn 20.000 ca tử vong do COVID-19. Phần lớn số ca nhiễm này xuất hiện sau khi biến thể Delta lây lan.