Tờ Bangkok Post ngày 30/1 dẫn lời Phó Cục trưởng DNP Chongklai Voraphongston cho biết các nhà khoa học của DNP sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các hang động có dơi sinh sống trong các vườn quốc gia.
Tham gia công tác kiểm tra có nhà khoa học nổi tiếng của Thái Lan Supaporn Watcharaprueksadee - Phó Giám đốc Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Chulalongkorn. Bà Supaporn cùng các nhà khoa học có kế hoạch nghiên cứu 23 loại virus mới được tìm thấy tại các vườn quốc gia trên khắp Thái Lan.
Trước đó, một nhóm chuyên gia đã phát hiện ra một chủng virus corona trong các con dơi móng ngựa ở Thái Lan.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng DNP Chongklai đã hạ thấp những nguy cơ về sức khỏe gắn với những con dơi trong các hang động. Theo ông, khách du lịch chỉ đến để xem dơi, chứ không ăn thịt chúng và điều đó giảm thiểu nguy cơ.
Ông Chongklai nói thêm rằng DNP cũng sẽ chú ý hoạt động theo dõi sức khỏe của du khách Trung Quốc đến thăm các hang động.
Theo luật pháp Thái Lan, dơi là loài hoang dã được bảo vệ và cấm săn bắn. Tuy nhiên, dơi vẫn được đưa lậu sang Trung Quốc để chế biến làm các món ăn và phân dơi được người địa phương sử dụng để làm phân bón.
Tại Thái Lan, tỉnh Ratchaburi ở miền Trung là nơi có số lượng dơi nhiều nhất, với hàng triệu con sinh sống trong các hang động. Theo tờ Bangkok Post, người dân địa phương từng ăn thịt dơi sống nhưng không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng dịch virus corona mới ở Vũ Hán lây lan từ dơi sang rắn và cuối cùng sang người. Những đợt bùng phát Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) trước đây cũng được cho là lây lan ra từ loài dơi.