Nhân viên cơ quan bầu cử kiểm phiếu tại thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 7/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Dự thảo hiến pháp mới giành được sự ủng hộ tại tất cả các khu vực, trừ vùng đông bắc Thái Lan, nơi hầu hết cử tri bác bỏ văn kiện do chính quyền quân sự soạn ra. Riêng ở thủ đô Bangkok, tỷ lệ ủng hộ dự thảo hiến pháp mới lên tới 70%.
Về câu hỏi thứ hai trong phiếu trưng cầu liên quan đến việc chỉ định thượng viện có quyền tham gia bầu thủ tướng, có 58% số phiếu chấp nhận và 42% số phiếu phản đối điều này.
Dù trước đó EC đã dự báo rằng có khoảng 70% cử tri tham gia bỏ phiếu, trên thực tế chỉ có khoảng 55% trong số 50,5 triệu cử tri toàn quốc tham gia bỏ phiếu, gần bằng với tỷ lệ 57% trong cuộc trưng cầu năm 2007.
Phản ứng sau khi kết quả không chính thức trên được công bố, các lãnh đạo đảng Pheu Thai, cánh chính trị của phe Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nói rằng cử tri Thái Lan bỏ phiếu chấp thuận dự thảo hiến pháp vì họ muốn cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức. Tuy nhiên, đảng Pheu Thai cũng nhấn mạnh việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn cả cuộc trưng cầu năm 2007 đã cho thấy rõ thái độ của người dân.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở Pheu Thai, nhà lãnh đạo chủ chốt đảng này, ông Phumtham Wechayachai khẳng định đảng này sẽ tiếp tục đấu tranh vì nền dân chủ của Thái Lan nhưng không cho biết liệu Pheu Thai có tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2017 hay không.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo khác, Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo hiến pháp (CDC) Meechai Ruchupan tuyên bố đã đến lúc người dân Thái Lan hướng về phía trước. Ông cũng cho biết dù văn kiện này được thông qua, kết quả này chỉ có hiệu lực sau 3-4 tháng nữa do các quy trình pháp lý cần thiết.
Liên hợp quốc, Đại sứ quán Mỹ và Mạng lưới Bầu cử tự do châu Á (ANFREL) đã cử quan sát viên không chính thức đến giám sát cuộc bỏ phiếu. Theo đại diện của ANFREL, cuộc trưng cầu dân ý của Thái Lan diễn ra khá suôn sẻ và các nhân viên bầu cử đã hoạt động khá chuyên nghiệp.