Những đốm hồng này là tinh trùng và trứng do san hô giải phóng vào trong nước để thụ tinh tạo ra ấu trùng san hô. Các các nhà khoa học đã thu thập tinh trùng và trứng của san hô để tiến hành nhân giống trong phòng thí nghiệm nhằm giải cứu các rạn san hô rộng lớn của Thái Lan khỏi nguy cơ suy thoái do tác động của hiện tượng nước biển ấm lên và các hoạt động của con người như du lịch.
Công trình nghiên cứu này có thể kéo dài nhiều năm vì san hô chỉ sinh sản mỗi năm một lần và có thể mất tới 5 năm để nuôi dưỡng san hô non trong phòng thí nghiệm trước khi đưa chúng trở về biển.
Nhà khoa học Nantika Kitsom bày tỏ hy vọng rằng các rạn san hô bị suy thoái có thể phục hồi và trở lại vẻ đẹp trước đây. Bà cho biết sự biến mất của quần thể san hô không chỉ gây ra mối đe dọa đáng kể đối với hệ sinh thái đại dương mà còn đối với nền kinh tế của Thái Lan. Theo quan chức này, các rạn san hô giúp thu hút khách du lịch đến với Thái Lan và cung cấp môi trường sống lành mạnh cho các quần thể cá vốn là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển ngư nghiệp.
Dự án nhân giống và phục hồi san hô được Bộ Tài nguyên Biển và Ven biển Thái Lan triển khai năm 2016 trên đảo Man Nai, phía Nam nước này. Hiện đảo này là nơi sinh sống của hơn 98 loài san hô.
Dự án này ra đời sau khi có tới 90% rạn san hô ở Thái Lan bị ảnh hưởng do hiện tượng tẩy trắng hàng loạt bắt đầu từ năm 2010. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do nhiệt độ nước biển tăng cao.
Bộ Tài nguyên Biển và Ven biển Thái Lan cho biết, kể từ khi dự án này được triển khai, các nhà khoa học đã phục hồi được hơn 4.000 quần thể san hô xung quanh đảo Mun Nai.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thế giới đang đứng trước hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt lần thứ tư, có thể khiến nhiều rạn san hô nhiệt đới chết. Hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu gần đây nhất xảy ra trong giai đoạn 2014 - 2017, ảnh hưởng tới khoảng 15% số rạn san hô trên thế giới.