Ngày 26/11, Tòa án Hình sự Thái Lan đã phê chuẩn lệnh bắt ông Suthep Thaugsuban, một thủ lĩnh chủ chốt của làn sóng biểu tình chống chính phủ hiện nay.Cảnh sát Thái Lan gác bên ngoài trụ sở Quốc hội ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Đại tá cảnh sát Sunthorn Kongklam ở thủ đô Bangkok, cảnh sát đưa ra đề nghị bắt giữ ông Suthep Thaugsuban và Tòa án Hình sự đã phê chuẩn. Cảnh sát kêu gọi ông Thaugsuban ra đầu thú trước khi thi hành lệnh bắt giữ.
Ông Suthep Thaugsuban từng giữ chức Phó Thủ tướng Thái Lan và là cựu nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập. Ông bị buộc tội kích động người biểu tình xâm phạm Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan thuộc các bộ này ngày 25/11.
Ông Suthep tuyên bố sẽ biến trụ sở Bộ Tài chính thành một thành trì mới của những người biểu tình và sẽ "chiếm giữ tất cả các bộ" nhằm làm tê liệt bộ máy chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Làn sóng biểu tình đang diễn ra tại Thái Lan là đợt biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ sau cuộc biểu tình hồi năm 2010 làm hơn 90 người thiệt mạng. Khoảng 180.000 người của cả hai phe ủng hộ và chống chính phủ tham gia đợt biểu tình hiện nay.
Cuộc biểu tình xuất phát từ dự luật ân xá mà phe đối lập cho là nhằm "xóa tội" cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, mở đường cho ông về nước. Chính phủ Thái Lan đã áp đặt Luật an ninh nội địa (ISA) ở thủ đô và một số vùng lân cận nhằm kiểm soát tình hình an ninh.
Phản ứng về tình hình Thái Lan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/11 đã kêu gọi các bên liên quan duy trì ổn định đất nước thông qua đối thoại. Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Trung Quốc lo ngại trước tình hình hiện nay ở Thái Lan và hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ đề cao an ninh quốc gia, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn nhằm tránh bạo lực leo thang.
TTXVN/Tin tức