Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, biện pháp cứu trợ khẩn cấp này sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực, kể cả hỗ trợ tiền mặt cho các cá nhân, dự kiến khoảng 1.000 - 2.000 baht/người (32 - 64 USD).
Tại Thái Lan, khoảng 14,6 triệu người hiện có thu nhập trung bình dưới 100.000 baht (3.200 USD) mỗi năm và được nhận trợ cấp từ 300 - 500 baht (gần 10 - 16 USD) mỗi tháng.
Gói cứu trợ mới sẽ mở rộng diện hưởng lợi cho những người có thu nhập trên 100.000 baht mỗi năm nhưng không có nguồn phúc lợi khác để dựa vào như bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ trưởng Tài chính Uttama Savanayana, chương trình phát tiền mặt dành riêng cho những người thu nhập thấp, nông dân và những lao động độc lập có thu nhập cơ sở trên 100.000 baht/năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa công bố mức trần trợ cấp theo kế hoạch này, do có thể phải kiểm tra lại thông tin với Quỹ tiết kiệm quốc gia và Văn phòng bảo hiểm xã hội. Những người được nhận tiền phải đăng ký và tiền sẽ được chi trả thông qua hệ thống thanh toán điện tử.
Bộ trưởng Uttama cho biết thêm gói cứu trợ phải “đủ lớn” để giúp Thái Lan phòng chống dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu, đồng thời dựa trên 4 nguyên tắc: phải bao gồm tất cả các nhóm dân cư, đạt mục tiêu một cách hiệu quả, tương xứng với tình hình hiện nay và ngắn hạn. Ông Uttama khẳng định vị thế tài chính của Thái Lan đủ mạnh để thực hiện gói cứu trợ, vốn đang được dự kiến áp dụng ngay và có hiệu lực trong khoảng 3 - 4 tháng.
Ngoài việc phát tiền mặt, theo ông Uttama, các khoản vay ưu đãi sẽ được các ngân hàng nhà nước cung cấp cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), trong khi một phần tiền lãi sẽ do Bộ Tài chính chi trả. Biện pháp này từng được Thái Lan áp dụng để ứng phó với hậu quả của thảm họa sóng thần năm 2004 ở miền Nam nước này.
Bộ trưởng Uttama cho biết thêm các ngân hàng thương mại cũng sẽ thực hiện những biện pháp bổ sung để cho phép người dân tiếp cận nhiều hơn với các khoản vay, trong khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã nới lỏng quy định cho vay. Chính phủ sẽ sử dụng những ưu đãi về thuế nhằm ngăn chặn việc sa thải hàng loạt và kìm hãm tình trạng mất việc làm. Một quỹ mới sẽ được thành lập để hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 như mất việc hoặc tham gia cách ly.
Trên thị trường vốn, Bộ Tài chính đã thảo luận với Liên đoàn các tổ chức thị trường vốn Thái Lan (FETCO) và nhất trí khôi phục kế hoạch thành lập Quỹ tiết kiệm cao cấp (SSF) nhưng giống với mô hình các quỹ cổ phần dài hạn (LTF) đã bị giải thể trước đây. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và sẽ chỉ có hiệu lực trong 1 năm.
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình gói cứu trợ khẩn cấp nói trên lên nhóm các bộ trưởng phụ trách kinh tế vào ngày 6/3 để xem xét. Nếu được chấp thuận, gói cứu trợ này sẽ được trình lên Nội các để thông qua.
Bộ trưởng Uttama nhấn mạnh hiện chưa rõ thời điểm kết thúc các tác động của dịch COVID-19, nhưng sau gói cứu trợ thứ nhất, Chính phủ Thái Lan sẵn sàng triển khai thêm các gói cứu trợ thứ hai và thứ ba nếu cần thiết.
Trong khi đó, Ủy ban thường trực hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) ngày 4/3 tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay từ 2 - 2,5% xuống còn 1,5 - 2% với kịch bản dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào giữa năm nay. JSCCIB cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể giảm tới mức 0% trong nửa đầu năm nay và thậm chí giảm trong cả năm 2020 nếu dịch bệnh này kéo dài tới tận cuối năm.