Cho tới nay, thời điểm để những lao động nước ngoài, hầu hết từ các nước láng giềng của Thái Lan, được phép trở lại làm việc ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa được xác định. Theo Thư ký thường trực Bộ Lao động Sutthi Sukoson, một quyết định như vậy sẽ chỉ được đưa ra khi tình hình “trở lại bình thường”.
Sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Thái Lan đã có xu hướng giảm với mức dưới 20 ca trong bốn ngày liên tiếp kể từ ngày 21/2.
Tuy nhiên, đến ngày 25/4, số ca nhiễm mới tăng đột biến lên 53 ca, trong đó có 42 trường hợp là những lao động di cư bị bắt giam tại một trung tâm di trú ở tỉnh Songkhla vì nhập cư bất hợp pháp. Hiện các bác sỹ đang điều trị cho các lao động di cư này tại một bệnh viện dã chiến bên trong trung tâm di trú, ngoại trừ một phụ nữ có thai người Myanmar được vào Bệnh viện Songkhlanagarind.
Vụ việc trên đã buộc Bộ Lao động phải vạch ra những kế hoạch đối phó, trong đó có những hạn chế về số lượng lao động di cư. Trước đó, từ ngày 23/3, Thái Lan đã ngừng cho phép lao động nước ngoài nhập cảnh.
Ông Sutthi cũng nói rằng Bộ Lao động đã đồng ý nới lỏng các quy định về thời gian làm việc, cho phép các lao động nước ngoài tại Thái Lan được ở lại cho tới ngày 30/11. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện sàng lọc y tế đối với người lao động và giúp các quan chức truyền đạt với họ những hướng dẫn để giữ cho họ an toàn, không bị lây nhiễm.
Cách tiếp cận mới này được áp dụng trong lúc hàng nghìn lao động di cư đã rời khỏi Thái Lan sau khi biết chính phủ nước này sẽ đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.